Theo Reuters ngày 5.10, Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara đang đề nghị xây dựng một số công trình cơ bản trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, bao gồm cầu cảng, hải đăng và đài thu phát tín hiệu vô tuyến. Hệ thống cơ sở hạ tầng này đủ để cung cấp nơi trú ẩn khi cần cho ngư dân Nhật Bản. Động thái này nhiều khả năng sẽ lại gây ra phản ứng mạnh từ Trung Quốc.
Giữa lúc căng thẳng xoay quanh Senkaku/Điếu Ngư vẫn chưa dịu, Đài truyền hình NHK dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật cho hay 7 tàu chiến Trung Quốc đã đi qua vùng biển phía nam Nhật ngày 4.10. Nhóm tàu này bao gồm 2 tàu khu trục, 2 tàu hộ tống, tàu ngầm, tàu cứu hộ tàu ngầm và 1 tàu hậu cần di chuyển ở khoảng giữa Okinawa và Miyako, vốn cách Senkaku/Điếu Ngư khoảng 200 km về phía đông. Đây là lần đầu tiên tàu chiến Trung Quốc xuất hiện trong khu vực trên kể từ khi Nhật quốc hữu hóa Senkaku/Điếu Ngư. Theo CNA, hạm đội Trung Quốc được điều động để phản ứng lại sự hiện diện bất thường của lực lượng Mỹ trong khu vực, bao gồm 2 đội tàu sân bay và một đội tàu đổ bộ của thủy quân lục chiến.
Cùng ngày, Lực lượng tuần duyên Nhật (JCG) phát hiện 8 tàu công vụ Trung Quốc đến gần vùng biển Senkaku/Điếu Ngư, theo Jiji Press. JCG tỏ ra lo ngại là các tàu Trung Quốc xuất hiện trong khu vực ngày càng lớn và được trang bị mạnh hơn. Trong đó có tàu Ngư chính 310 được cho là có trọng tải 2.580 tấn, được trang bị 2 máy bay trực thăng Z-9A và súng đại liên 14,5 ly, theo báo cáo của Học viện Nghiên cứu quốc phòng quốc gia Nhật. Ngoài ra, còn có tàu hải giám 50 có trọng tải 3.980 tấn và chở được trực thăng Z-9A. Để đối phó, JCG đã triển khai khoảng 40 tàu tuần tra sẵn sàng phản ứng khi cần.
|
Chân lý không thuộc về kẻ mạnh
Giữa lúc các vùng biển trong khu vực đang nổi sóng vì tranh chấp chủ quyền, Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng (EAMF) tại Philippines hôm qua chú trọng đến tăng cường kết nối hàng hải, nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị… để bảo đảm an ninh biển và tự do hàng hải. Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Koji Tsuruoka nhấn mạnh cần lập trật tự hàng hải hiệu quả ở Đông Á. AP dẫn lời ông Tsuruoka nói: “Cần tăng cường nỗ lực thiết lập trật tự và các quy định hàng hải căn cứ vào đặc điểm của từng khu vực, phù hợp luật quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển để phòng tránh xung đột, giải quyết tranh chấp và bảo vệ tài nguyên”. Ông cũng cho rằng việc này phải được tiến hành thông qua đối thoại hòa bình, chống lại mọi ý tưởng cho rằng “chân lý thuộc về kẻ mạnh”.
EAMF có sự tham gia của quan chức, học giả từ các nước ASEAN cùng đối tác đối thoại như Mỹ, Nhật, Trung Quốc… Tại phiên họp, Thứ trưởng Tsuruoka kêu gọi các đối tác đối thoại tuân thủ cam kết để “ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN”. Ngay trước EAMF, tại Philippines cũng đã diễn ra Diễn đàn Hàng hải ASEAN lần 3. Trong các cuộc họp, nước chủ nhà đề nghị ASEAN lập nên một hệ thống chia sẻ thông tin khu vực nhằm tăng cường khả năng giám sát những vùng biển đang đối mặt thách thức về an ninh, đặc biệt là vùng tranh chấp, theo tờ PhilStar.
Thụy Miên
Bình luận (0)