Liên kết không gian di sản nhà Trần

06/10/2012 03:00 GMT+7

“Cần mau chóng nối các không gian Yên Tử - Ngọa Vân và vùng lân cận đúng như người xưa đã gọi là cõi Phật trời Nam. Có thế mới phát huy hết giá trị di sản văn hóa nhà Trần”, PGS-TS Tống Trung Tín nói.

Trong hội thảo Di sản văn hóa nhà Trần ở Đông Triều diễn ra hôm qua (5.10) tại Quảng Ninh, một lần nữa vị trí trung tâm văn hóa tiêu biểu thời Trần của Đông Triều được khẳng định.

Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử, có ba nơi di tích nhà Trần tập trung nhiều nhất: Thăng Long, phủ Thiên Trường và Đông Triều. Bộ máy nhà nước Đại Việt đặt tại Thăng Long. “Kinh đô chính trị thứ hai” - phủ Thiên Trường là nơi Thái Thượng hoàng giám sát vua và cùng điều hành đất nước. Đông Triều là nơi có khu lăng mộ các vua nhà Trần. “Trung tâm có tính chất văn hóa cao nhất theo tôi là Đông Triều, một trung tâm văn hóa rất tiêu biểu của nước Đại Việt thời Trần”, GS Phan Huy Lê cho biết.

Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, có 3 lý do khiến Đông Triều trở thành trung tâm văn hóa tiêu biểu của thời Trần. Thứ nhất, nơi đây có hệ thống di tích chùa tháp dày đặc, góp phần phát triển tông phái Trúc Lâm riêng của Việt Nam. Có thể thấy dấu ấn của tông phái duy nhất nhưng rất thành công này qua việc vua hóa Phật tại am Ngọa Vân. Thứ hai, hệ thống di tích tiên miếu ở đây dày đặc hơn hẳn các nơi khác, các đời khác. Thứ ba, hệ thống lăng mộ này vừa nhiều, vừa còn nhiều dấu tích, cung cấp mặt bằng tương đối nguyên vẹn. Chẳng hạn, với Thái Lăng, đường đi lối lại, kiến trúc, trang trí, vật liệu, đồ dùng thờ cúng còn  khá nhiều.

“Kiến trúc và cấu trúc vật liệu di tích phản ánh lịch sử của thời Trần giai đoạn sôi động của thế kỷ 14. Tổng thể di tích, di vật tuy không hoành tráng bằng Thăng Long nhưng toát lên tinh thần nhà Trần không hướng tới xa hoa. Tuy khi đó vương triều bộc lộ nhiều điểm yếu, song nhà Trần vẫn thể hiện một vương triều thân dân. Các công trình kiến trúc tuy tiết kiệm song vẫn thể hiện đậm chất dân tộc, mang phong cách tập trung đặc trưng của nhà Trần”, ông Tín nói.

Liên kết không gian di sản nhà Trần
Du khách tham quan Yên Tử - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Quy hoạch di sản “liên tỉnh”

Giá trị văn hóa của Đông Triều lớn là vậy, song nó không thể cắt lìa khỏi quần thể di tích đời Trần. Bởi sự bùng nổ mạnh mẽ của Phật giáo về cả số lượng và quy mô thời Trần thể hiện trên một vùng văn hóa. “Riêng phái Trúc Lâm đã hình thành nên tuyến Phật giáo chủ đạo từ Thăng Long tới Yên Tử. Tuyến có Yên Tử là trung tâm, cơ sở chính là chùa Quỳnh Lâm, Côn Sơn (Hải Dương), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), Báo n (Hà Nội) cùng hàng trăm chùa khác”, GS-TS Lê Đình Phụng, Viện Khảo cổ nói.

Chính vì thế, theo GS Phan Huy Lê, khi quy hoạch để phát huy giá trị di sản không nên để địa giới hành chính chia cắt di sản văn hóa. Tuy Đông Triều và Uông Bí đều có trách nhiệm của mình nhưng hệ thống di tích thời Trần phải liền một dải. “Tôi tán thành với ý kiến của GS Nguyễn Huệ Chi rằng hành hương về Yên Tử  (Uông Bí) thì đất thiêng nhất là Ngọa Vân (Đông Triều). Rõ ràng phải nối liền một mạch toàn bộ hệ thống Yên Tử. Như vậy vấn đề đặt ra là Uông Bí và Đông Triều phải phối hợp với nhau. Tỉnh có vai trò tổ chức để có quy hoạch liên hoàn trên toàn bộ không gian di sản thời xưa để lại”, GS Phan Huy Lê nói.

TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành, cho rằng hiện nay việc giới thiệu các di sản nhà Trần ở Quảng Ninh chưa định hình rõ ràng và còn thiếu hệ thống nên phát huy di sản chưa hiệu quả. Trong khi, việc kết nối Yên Tử - Ngọa Vân - Hạ Long thậm chí với cả Côn Sơn sẽ mang lại không gian di sản lớn, có sức hút khách du lịch.

Hiện tại, theo ông Tín, mới chỉ có những quy hoạch di sản đơn lẻ của từng huyện nơi di tích đứng chân. Tầm nhìn “đèn nhà ai nhà nấy rạng” này khiến  “không gian Trúc Lâm” Yên Tử - Ngọa Vân - Côn Sơn - Vĩnh Nghiêm chưa thể hình thành để hút khách hành hương, du lịch. Chưa kể, việc nghiên cứu và tu bổ, xây mới không đồng bộ có thể mang tới việc phá vỡ không gian thiêng gốc.

“Chúng ta có cả một vùng văn hóa là cõi Phật trời Nam, gồm Yên Tử, Hồ Thiên và Ngọa Vân cùng rất nhiều di tích khác. Phải có quy hoạch ngay để liên kết các không gian di sản này lại bởi văn hóa thì không thể chia lìa”, PGS-TS Tống Trung Tín nói.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.