Tối nay, tâm bão số 7 vào Bình Định

06/10/2012 04:15 GMT+7

Bão có cường độ mạnh cấp 8 sẽ quét qua các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi, tâm bão nhiều khả năng đi qua Bình Định.

>> Bão số 7 sẽ đổ bộ vào Quảng Ngãi - Bình Định
>> Nhiều nơi khẩn trương phòng tránh bão số 7
>> Bão số 7 gây mưa lớn tại miền Trung và Tây nguyên
>> Mưa trên diện rộng do ảnh hưởng bão số 7

Chiều qua, báo cáo với Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp khẩn bàn và triển khai các biện pháp đối phó bão số 7, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư Bùi Minh Tăng cho biết cơn bão này vẫn đang mạnh cấp 8, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Phú Yên khoảng 640 km về phía đông và đang di chuyển ổn định theo hướng tây và tây tây nam với tốc độ 15 km/giờ, hướng về các tỉnh Trung bộ.

Tối nay, tâm bão số 7 vào Bình Định
Tàu thuyền vào Quy Nhơn trú bão dày đặc - Ảnh: Trần Thị Duyên

Theo ông Tăng, khoảng tối 6.10, bão sẽ vào đất liền nước ta, quét qua các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi. Nhiều khả năng tâm bão sẽ đi qua Bình Định.

“Bão sẽ gây gió cấp 8, giật cấp 9 - cấp 10 vùng ven biển các tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Trên địa phận các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và bắc Tây nguyên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - cấp 8. Bắt đầu từ sáng và trưa 6.10, tại miền Trung và bắc Tây nguyên sẽ có mưa trên diện rộng và cấp tập trong 24 giờ. Các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định mưa phổ biến 200 - 300 mm, một số nơi trên 300 mm. Tại các tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk, Kon Tum, Quảng Trị, Quảng Bình có mưa 100 mm, một số nơi mưa 200 mm”, ông Tăng cho biết.

 

Các địa phương sẵn sàng phương án và tổ chức di dân từ nơi nguy hiểm đến nơi an toàn. Việc di dân phải hoàn thành trước 14 giờ ngày 6.10

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải

Theo ông Tăng, dự báo mưa sẽ gây ra một đợt lũ trên các sông suối tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và bắc Tây nguyên. Đỉnh lũ phổ biến ở mức trên báo động 1, một số sông ở mức báo động 2. Lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Bình Định ở mức xấp xỉ báo động 3. Các tỉnh cần chủ động đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Di dân đến nơi an toàn

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã lưu ý: “Các địa phương sẵn sàng phương án và tổ chức di dân từ nơi nguy hiểm đến nơi an toàn. Việc di dân phải hoàn thành trước 14 giờ ngày 6.10”.

Đến chiều 5.10, đã có 2.498 tàu, thuyền của Quảng Trị vào bờ (30 tàu, thuyền neo tại đảo Cồn Cỏ) và được chằng chống kỹ càng trong khu vực neo đậu. Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, cho biết đã chỉ đạo các địa phương ven biển gia cố lại nhà cửa; các vùng ngập sâu, lũ quét cần có phương án di dời dân nếu hoàn lưu bão gây mưa lớn đồng thời yêu cầu bà con nông dân tận thu các sản phẩm nông nghiệp, tránh để thiệt hại.

Cùng ngày, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Lê Viết Chữ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 7 tại vùng có nguy cơ bị sạt lở do triều cường xâm thực ở làng chài An Cường, Phước Thiện, xã Bình Hải (H.Bình Sơn) và việc neo đậu tàu thuyền tại vũng neo đậu tàu thuyền Tịnh Hòa, H.Sơn Tịnh. Ông Thưởng yêu cầu chính quyền địa phương cần chủ động triển khai phương án đối phó với bão số 7 theo phương châm 4 tại chỗ. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có công văn đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư tìm cách hỗ trợ 6 tàu cá với 87 ngư dân đang hoạt động tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa, có nơi tránh trú bão an toàn. Cũng trong ngày 5.10, tuyến vận tải hành khách Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại tạm ngừng hoạt động.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, tại khu vực quần đảo Trường Sa, đến 17 giờ ngày 5.10 còn 18 tàu cá Bình Định với 144 lao động đang hoạt động. Trước đó, sáng 5.10, hàng trăm tàu cá đã ồ ạt chạy về trú bão. Cảng cá Quy Nhơn, nơi có năng lực tránh trú bão cho 700 tàu thuyền đã kín chỗ, các tàu thuyền trong và ngoài tỉnh đã chen dày đến điểm lạch sâu nhất phía trong cảng. TP.Quy Nhơn cũng đã mua 10 tấn gạo hỗ trợ trước cho xã đảo Nhơn Châu, hỗ trợ mua bao cát, áo phao... cho các vùng dân cư ven biển thuộc xã đảo Nhơn Châu và vùng ven biển bán đảo Nhơn Lý, Nhơn Hải...

Tại Phú Yên, hiện vẫn còn 225 tàu với 1.567 lao động trên biển, trong đó 99 tàu với 934 lao động đang hoạt động trên khu vực quần đảo Trường Sa, còn lại hoạt động đánh bắt ven bờ từ Phú Yên đến Bình Thuận. Bộ đội biên phòng Phú Yên đã duy trì 200 cán bộ chiến sĩ với 5 ô tô, 6 tàu, 10 ca nô sẵn sàng cơ động phối hợp cùng các lực lượng địa phương xử lý khi có tình huống xảy ra.

Nhiều hồ đầy nước

Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư cho biết, đến chiều qua 5.10, các hồ thủy lợi khu vực Tây nguyên và ở Khánh Hòa, Bình Thuận đã tích nước từ 80-100% dung tích thiết kế, một số hồ đã đầy như Suối Trầu (Khánh Hòa), Cà Giây (Bình Thuận), Đắc Uy (Kon Tum), Biển Hồ (Gia Lai), Krông Búc Hạ (Đắk Lắk). 7 hồ khác đang xả điều tiết theo quy trình. Hồ sông Ba Hạ đang xả lũ với lưu lượng 100 m3/giây. Nhiều hồ chứa thủy điện tại khu vực Tây nguyên và đông Nam bộ đã đầy nước và đang xả để đảm bảo quy trình.

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.