Bao giờ có nhà hát xứng tầm ?

08/10/2012 03:05 GMT+7

TP.HCM là trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Tiếc thay, đến nay vẫn chưa có một nhà hát đa năng đúng nghĩa để nghệ sĩ cống hiến, phục vụ công chúng.

Lây lất, vất vưởng

Rạp Hưng Đạo, điểm hẹn của những người yêu cải lương Sài Gòn, được đơn vị quản lý là Nhà hát Trần Hữu Trang tháo dỡ từ năm 2010. Hai năm trôi qua, nhà hát biến thành điểm rửa xe kiêm bãi giữ xe.

Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM tọa lạc tại rạp Long Phụng từ năm 1977. Năm 2007, do địa điểm này xuống cấp, cùng với việc các đơn vị liên doanh như Sân khấu IDECAF, phòng trà ATB ngưng hợp đồng nên nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật hát bội phải diễn trong các đình kiếm sống qua ngày. Tháng 10.2010, rạp Long Phụng được UBND TP.HCM giao Trung tâm phát triển quỹ nhà đất TP.HCM bán đấu giá, nhưng đến nay việc này vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Bao giờ có nhà hát xứng tầm ? 
Rạp Hưng Đạo giờ thành điểm rửa xe và bãi giữ xe - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ngày 20.9.2012, lễ ký kết hợp đồng thiết kế xây dựng công trình rạp xiếc và biểu diễn đa năng của TP.HCM trong khuôn viên Nhà thi đấu Phú Thọ đã diễn ra. Tuy nhiên, trong cuộc họp vào ngày 1.10 giữa lãnh đạo Đoàn xiếc TP.HCM và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cùng các ban ngành liên quan, đoàn xiếc được tạm dời về Công viên Gia Định. Nhạc sĩ Hồ Văn Thành, Trưởng đoàn xiếc, đưa ý kiến: “Phú Thọ là địa điểm định cư lâu dài của đoàn, dự kiến đến năm 2015 - 2016 mới hoàn thành. Nếu giữ đoàn xiếc ở vị trí cũ, tức Công viên 23.9, nhà nước sẽ tiết kiệm được khoản kinh phí không nhỏ khi di dời đoàn xiếc đến Công viên Gia Định rồi cũng phải về lại Phú Thọ”.

 

Tận dụng cơ sở có sẵn

Trước thực trạng hiện nay, ông Phan Quốc Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, đề xuất: “Nhà hát Hòa Bình tại Q.10 nếu được quy hoạch lại thành nhà hát đa năng sẽ rất phù hợp vì nơi đây có vị trí thuận tiện cũng như diện tích lên đến hơn 16.000 m2, chưa kể các công trình phụ chung quanh như khách sạn Kỳ Hòa, Công viên Kỳ Hòa”.

Trưởng đoàn Nghệ thuật múa rối TP.HCM, NSƯT Nguyễn Đức Thế cho biết vừa nhận được công văn về việc bố trí mặt bằng cho đoàn. Theo đó, đoàn múa rối được định cư tại số 372-374 đường Trần Phú, Q.5, sau 2 năm 7 tháng “vất vưởng” kể từ khi rạp Măng Non trên đường Đồng Khởi bị giải tỏa. Hiện đoàn múa rối đang phải biểu diễn bên trong Bảo tàng Lịch sử VN, TP.HCM. “Đây chỉ là quyết định tạm giao còn việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thì UBND TP.HCM chưa có phương án cụ thể”, ông Thế nói. 

Nên xem nhà hát là biểu tượng văn hóa

Trong khi đó, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) sau 13 năm vẫn chưa có nơi an cư lạc nghiệp. Năm 1999, HBSO từng được lãnh đạo TP.HCM cho phép xây dựng nhà hát tại vị trí Công ty xổ số kiến thiết trên đường Lê Duẩn, Q.1. Đến tháng 7.2004, các bên liên quan mới thống nhất hoán đổi và đã lên bản vẽ thiết kế nhà hát ở vị trí này. Tuy nhiên, tháng 5.2009, UBND TP.HCM ra quyết định chuyển nhà hát về Công viên 23.9. Thế rồi từ năm 2010 đến nay, UBND TP.HCM lại chỉ đạo chuyển địa điểm xây dựng nhà hát sang Thủ Thiêm. NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO, cho biết: “Bản thiết kế cũ của nhà hát tại quảng trường trung tâm Thủ Thiêm, Q.2 đã thay đổi. UBND TP.HCM lên kế hoạch xây dựng nhà hát tại chân cầu từ đường Tôn Đức Thắng qua Thủ Thiêm. Quy hoạch này có nhiều bất cập. Xây nhà hát tại chân cầu, vốn là nơi rất ồn ào, xe cộ qua lại đông đúc, là không hợp lý. Lãnh đạo TP.HCM mong muốn xây nhà hát như một biểu tượng văn hóa sao không tìm một vị trí trung tâm?”.

Không nhà hát, nghệ sĩ các đoàn nghệ thuật từ cải lương, hát bội, xiếc ảo thuật, múa rối đến giao hưởng, vũ kịch phải sống lây lất. Thiếu tiền, thiếu cơ sở vật chất khiến các đoàn không thể đầu tư vở mới, thu hút khán giả nên doanh thu bán vé sụt giảm là đương nhiên. Đó là chưa nói đến tình trạng “cào bằng” trong chính sách tiền lương. “Diễn viên, nghệ sĩ tốt nghiệp hệ trung cấp nhận lương bằng người lao động cùng trình độ là không công bằng. Nhân lực thuộc lĩnh vực giải trí biểu diễn sẽ dần mai một vì phải vừa diễn vừa làm thêm mới đủ sống”, NSƯT Trần Vương Thạch khẳng định.

Một nhà hát xứng tầm không chỉ là nơi nghệ sĩ làm nghề, công chúng được hưởng thụ văn hóa mà còn là bộ mặt của thành phố. Tiếc thay, mấy mươi năm qua, quá nhiều công trình mọc lên nhưng vẫn chưa thấy một nhà hát đúng nghĩa định hình. NSƯT Trần Vương Thạch ray rứt: “Nhiều nước xem nhà hát là biểu tượng quốc gia như Nhà hát Con sò (Opera) ở Sydney (Úc) hay Nhà hát Sầu riêng (Esplanade) ở Singapore. Vì sao chúng ta không làm được?”.

Đỗ Tuấn

>> 60 năm Nhà hát chèo Hà Nội
>> Vòng Nhà hát của Vietnam Idol 2012
>> Đạo diễn Christopher Nolan in dấu tay tại nhà hát Grauman
>> Siêu nhà hát “chết yểu”
>> Thành lập “siêu nhà hát”
>> Nhà hát nhỏ nhất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.