Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến dự đoán này theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Cà phê Đức (nước nhập khẩu cà phê nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ). Thứ nhất, đó là sự gia tăng nhu cầu và sự dịch chuyển ở các nước đông dân hàng đầu thế giới như Trung Quốc và Ấn Độ (khoảng trên dưới 1 tỉ người) từ tập quán uống trà sang dùng cà phê ở các thế hệ trẻ.
Theo số liệu gần đây, chỉ riêng thị trường cà phê hòa tan tại Trung Quốc mỗi năm đã tăng trưởng 22-25%. Nguyên nhân khác là do nguồn cung cà phê từ các nước trồng tỉa và xuất khẩu cà phê cũng đang chững lại. Một phần vì dân chúng những nước này cùng với sự phát triển kinh tế ngày càng tiêu thụ cà phê nhiều hơn (trước kia họ không có thói quen uống cà phê, như ở Việt Nam).
Cũng do quá trình đô thị hóa và sự khai thác triệt để thiên nhiên của các nước trồng cà phê, chủ yếu là các nước đang phát triển, đã khiến diện tích đất trồng cà phê bị thu hẹp. Hơn nữa, cà phê - như ta biết, không phải có thể trồng ở mọi nơi và cũng có vòng đời hữu hạn của nó. Mỗi một ngày thế giới tiêu thụ tới khoảng 2 tỉ ly cà phê mà nguồn nguyên liệu cà phê đang già cỗi đi và cần phải thay thế bằng thế hệ mới, giống tốt hơn.
3/4 lượng cà phê sản xuất trên thế giới là thuộc arabica và 1/4 là thuộc giống robusta. Châu Mỹ nhiệt đới hiện gần như độc quyền về sản xuất cà phê arabica nhờ đất màu mỡ, lượng nước mưa có thể trông cậy được, độ cao lý tưởng từ 900 m đến 1.800 m. Cà phê robusta như tên gọi của nó, mạnh mẽ hơn, chống trả sâu rầy khỏe hơn, cho thu hoạch nhiều hơn, nhưng không được êm dịu hay thơm bằng arabica, nên không được ưa chuộng bằng và giá cũng rẻ hơn arabica. Vì hàm lượng caffeine trong cà phê robusta trội hơn từ 40-50% cho nên nó thường được dùng làm dạng cà phê hòa tan và pha chế với arabica.
Cà phê hòa tan là thứ cà phê chiết xuất và rút nước thành dạng hạt nhỏ li ti hoặc nghiền thành bột để có thể pha ngay uống liền (instant coffee). Đây là sáng chế của một nhà hóa học Nhật Bản được đưa ra thị trường từ 1901 nhưng công chúng ít quan tâm. Phải đến Thế chiến 1 nó mới được sử dụng cho binh sĩ ngoài chiến trường vì tiện dụng và đến hai thập kỷ sau mới phổ biến trong các gia đình. Các thị trường uống trà truyền thống khi bắt đầu chuyển dịch sang uống cà phê thường bắt đầu với cà phê hòa tan vì dễ uống hơn. Đây chính là nguyên nhân tại sao các tập đoàn lớn của toàn cầu chuyên sản xuất cà phê hòa tan đang dịch chuyển các trung tâm thu mua nguyên liệu của họ tại các địa bàn trung gian cũ sang trực tiếp tại các nước trồng loại robusta này như ở Đông Nam Á (Indonesia và Việt Nam vốn có đến 85% là giống robusta).
Theo Hiệp hội Cà phê Đức, khủng hoảng cà phê có khả năng xảy ra trong 10 năm tới khi cầu vượt quá cung. Nhiều nước xuất và nhập khẩu cà phê đã chuẩn bị trước cho kịch bản này khi nước trồng thì đặt ra những chính sách bảo hộ nguồn nguyên liệu trong nước, nước nhập khẩu và tiêu thụ cà phê thì đang cố gắng tìm ra các kỹ thuật để trữ kho và xử lý cà phê tồn trữ tốt hơn. Ở Việt Nam, cảnh báo này chưa được quan tâm sâu sắc.
Chưa kể, nguồn nguyên liệu cà phê trong nước đang dần bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp thu mua nước ngoài trước sự bất lực của chính sách và sự thiếu cảnh giác của các doanh nghiệp trong nước. Câu hỏi đặt ra là liệu người nông dân trồng cà phê, đặc biệt là nông dân Việt Nam, có được hưởng lợi trong cơ hội hiếm có này, hay tiếp tục chấp nhận thiệt thòi bởi những nghịch lý cà phê, khi họ đang dần trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất của mình cho các nhà mua bán nguyên liệu nước ngoài? (Còn tiếp)
Bình Nguyên
Bình luận (0)