"Muốn phát triển công nghiệp, thì phải đánh đổi nguồn tài nguyên rừng để lấy tài nguyên khoáng sản...", ông Mai Ngọc Liêm (ảnh), Chủ tịch HĐQT Công ty CP xi măng Fico Tây Ninh, đã trả lời PV Thanh Niên vào sáng 11.10.
Ông Liêm cho biết, vào giai đoạn 2004, thời điểm nước ta đang thiếu xi măng trầm trọng, công ty được giao nhiệm vụ tìm nguồn nguyên liệu sản xuất xi măng để đáp ứng thị trường. Ngoài việc sản xuất, công ty còn được giao nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng biên giới (giáp với Campuchia). Ông Liêm dẫn chứng: "Ngay từ những ngày đầu thành lập, công ty phải vay vốn ngân hàng để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó kéo trên 35 km đường điện, chi phí rất nhiều. Hiện nay, chúng tôi còn quy hoạch khu dân cư rộng 74 ha (nằm trong số 238 ha rừng phòng hộ đã giao trong giai đoạn 2006 - 2009 - PV) với đầy đủ trường học, siêu thị... phát triển thành một thị trấn nhỏ ở biên giới. Thu hút nhiều người dân khác đến đây làm ăn sinh sống, hạn chế được phần nào tình trạng phá rừng".
|
Đề cập đến 238 ha rừng phòng hộ được giao để xây dựng dây chuyền 1, ông Liêm cho biết: "Thực tế, qua khoan thăm dò trữ lượng, chúng tôi chỉ sử dụng hết khoảng 100 ha. Rừng ở khu vực khai thác thuộc loại 3C đã bị phá hết rồi chứ còn gì là nguyên sinh. Riêng khu vực không sử dụng thì vẫn còn là rừng". Trả lời câu hỏi, việc phá rừng để làm nhà máy xi măng, lâu dài liệu có kéo theo những hệ lụy về môi trường khác? Ông Liêm nói: "Một dự án ra đời bao giờ cũng có 2 mặt. Anh muốn phát triển kinh tế về nguồn tài nguyên xi măng thì phải hy sinh tài nguyên rừng. Thực tế, để hạn chế phần nào, nhà máy cũng đã cho trồng lại rừng (hơn 50 ha) trong quá trình khai thác".
Chưa đụng đến 365 ha rừng
Liên quan đến 365 ha rừng nguyên sinh trong khu vực rừng phòng hộ, dự kiến giao cho Công ty triển khai giai đoạn 2 (2016 - 2020), ông Mai Ngọc Liêm giải thích: "Bước đầu, chúng tôi dự định sẽ thuê một đơn vị địa chất thăm dò, khảo sát. Nếu có mỏ đá với trữ lượng đủ để cho nhà máy hoạt động thì chúng tôi mới làm...".
Cũng theo ông Liêm, để được cấp phép thăm dò khoáng sản thì diện tích 365 ha rừng phải được loại ra khỏi diện tích rừng phòng hộ và giao lại cho công ty. Do đó, trong Quyết định 1831/QĐ-UBND ngày 24.9.2012, phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng Tây Ninh đến năm 2020 của UBND tỉnh Tây Ninh, đã làm một động thái là loại 365 ha ra khỏi rừng phòng hộ Dầu Tiếng, để giao cho Công ty CP Fico Tây Ninh.
Ông Liêm cho biết, trong trường hợp thăm dò có mỏ đá, sau khi khai thác mỏ (sâu trên 20 m - PV), một phần công ty xi măng sẽ hoàn thổ, hoàn nguyên, tức là san lấp trả lại mặt bằng để tiếp tục trồng rừng. Song song đó, ông Liêm còn cho biết, nếu có đá sẽ xây dựng một nhà máy xi măng mô hình xanh (dùng rác đốt lấy nhiệt phát ra điện để quay lò làm xi măng, khí thải được thu hồi để phát điện) tại đây.
Khó hoàn thổ, hoàn nguyên Trao đổi với PV Báo Thanh Niên trước đó, ông Lê Minh Thuần, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng (Tây Ninh), cho rằng: "Việc hoàn thổ, hoàn nguyên đối với những khu vực khai thác mỏ đá là rất khó thực hiện. Nếu có trồng rừng mới cũng không thể đủ và cũng không thể thay thế được khu rừng nguyên sinh này". |
Đỗ Trường - Hoàng Tuấn
Bình luận (0)