Du lịch hoang đảo

13/10/2012 09:42 GMT+7

Cuộc sống công nghiệp ngày càng hối hả. Vì thế, nhiều du khách đang thực sự có nhu cầu du lịch hoang đảo để xả stress, thư giãn.

Ra hoang đảo cầu hôn

Tuấn John ngồi không yên bên ly cà phê dưới rặng cây ở thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Thỉnh thoảng, anh lại móc điện thoại gọi ra tàu để hỏi thăm “kết quả”, như thể đang tham gia một trò cá cược. Biển mùa này không hiền. Thế nhưng có một gã đang yêu người Anh đang đặt hết hy vọng của mình vào chuyến biển này, mà Tuấn là người đứng ra “dàn xếp” mọi chuyện.

Trần Thanh Tuấn (Tuấn John, 27 tuổi) là giám đốc một công ty chuyên tổ chức các tour lặn ngắm san hô ở vùng biển Phú Quốc. Nhưng nếu khách cần, anh cũng thiết kế tour đến những “nơi còn sót lại của thế giới”. Và hôm nay cũng rất đặc biệt. Anh chàng Tim đến từ Vương quốc Anh dặn Tuấn John tìm mua giúp hoa hồng, rượu vang và cây dao bằng sứ. Tim thú thật là anh đã đặt hết tất cả hy vọng vào chuyến đi nhằm đón nhận cái gật đầu của cô nàng Ema xinh đẹp, nên anh muốn mọi thứ phải hoàn hảo và bất ngờ. Tuấn nói, là dân làm du lịch biển, anh không ít lần tổ chức những tour cầu hôn lênh đênh trên biển hay lặn dưới nước, nhưng cầu hôn kiểu Tim thì anh mới tổ chức lần đầu. Theo “kịch bản” thì tàu của Tuấn sẽ đưa Tim và Ema đến một nơi không có người, bỏ lại nơi đó cùng với rượu, hoa hồng và thức ăn. Trước khi rời đảo, người của Tuấn sẽ cho Tim biết vị trí của cái chai được thả trên biển, trong chai có mảnh giấy ghi “Will you marry me?” (Em sẽ lấy anh  chứ?). Tàu sẽ trở lại đảo đón hai người khi việc cầu hôn có kết quả…

“Robinson” đảo vắng

Cánh thạo biển đảo ở Phú Quốc từ lâu đã có hẳn danh sách các đảo lớn nhỏ, đảo nào có người ở, đảo nào vẫn còn hoang vắng. 

Tuy tìm ra hoang đảo để trải nghiệm, nhưng rất ít khách đi một mình mà thường đi từng đôi hoặc một nhóm người. Có khi ra đảo hoang chỉ để… dạo một vòng, hoặc để dọn một bữa ăn, để ngắm chiều xuống biển, và cũng có người đòi… ngủ lại đảo. Tuấn kể, nhiều khách nước ngoài khi yêu cầu anh đưa ra đảo hoang, họ đã chuẩn bị sẵn từ thực phẩm đến các vật dụng cho một chuyến thám hiểm. Họ yêu cầu tàu sau khi đưa họ lên đảo phải đi thật xa, xa đến khi nào họ không còn nhìn thấy và cũng đừng nhìn thấy họ. Thế nhưng, cũng có khách nằng nặc đòi phải có mặt Tuấn họ mới đồng ý lên tàu ra đảo hoang. Hoặc có người ra đảo chỉ mong tìm được nơi riêng tư. “Nhiều khách nước ngoài ra hoang đảo để được thoải mái… thoát y mà không sợ ai dòm ngó”, một hướng dẫn viên tại Phú Quốc kể.

Cũng xoay quanh những câu chuyện “Tiên Đồng, Ngọc Nữ” trên đảo hoang này, có lần “tai nạn nghề nghiệp” xảy ra khi những con cháu “Robinson” vô tình chạm mặt với ngư dân đánh bắt gần đảo trong lúc đang… “mặc quần áo của tự nhiên”. Sau lần đó, những người đưa khách ra đảo đã chọn địa điểm, giờ giấc phù hợp để tránh những “khán giả bất đắc dĩ”. Quan trọng hơn nữa, những người làm du lịch phải liên lạc với nhau để tránh những “Robinson” chạm mặt cùng lúc trên một hòn đảo. Điều này ngày càng trở nên khó khi có nhiều du khách ngoại quốc háo hức tìm đường ra hoang đảo. Bên cạnh đó, nhiều đảo hoang dần đã có chủ, có dự án với những nhà hàng, khách sạn, khu du lịch sẽ mọc lên bên cạnh bãi cát vàng và những cánh rừng nguyên sinh. “Mà chuyện đó chắc còn lâu, bởi có nhiều dự án đã công bố lâu rồi nhưng đâu có ai xây dựng”, Tuấn nói. Cánh làm tour du lịch đảo hoang, tính ra, cũng đang cảm ơn những dự án “treo” như thế.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.