Paris không hoa lệ

14/10/2012 03:50 GMT+7

Đằng sau vẻ lộng lẫy choáng ngợp của Paris là thế giới hoàn toàn khác, khắc khổ một cách tàn nhẫn.

Đầy phức tạp

Chuyến tàu lửa cũ kỹ ì ạch chuyển bánh từ sân bay Charles de Gaulle về ngoại ô Paris, nước Pháp. Hành trình từ đây đến ga tàu cuối cùng Le Bourget của tôi ước chừng mất 1 giờ. Ngay ga đầu tiên tàu dừng lại mang tới cho tôi một Paris hoàn toàn không giống như tưởng tượng. Hai người đàn ông da trắng bước lên trước mặt tôi, một người chơi đàn phong cầm, còn người kia cầm mũ xin tiền. Cứ thế, họ đi hết toa này đến toa khác.

Khi tôi còn ở Đức, bạn tôi gửi email dặn hãy mua sim điện thoại để tiện liên lạc khi đón tôi ở ga tàu. Tôi lại không muốn phiền bạn, phần khác thích được chủ động, nói với bạn cứ cho số nhà, thế nào cũng tìm đến trước khi trời tối. Bước xuống ga, tìm hỏi đường 10 người thì chỉ có 1 người nói tiếng Anh bập bẹ. Nhiều người khẳng định, địa chỉ kia không có ở khu này và quả quyết tôi đi nhầm ga. Có người bảo quay ngược lại, người khác nói đi tiếp vài ga nữa.

Tệ hại hơn, ga tàu lửa này không có bóng dáng một chiếc taxi nào, cũng như chẳng có một trạm điện thoại công cộng hay bưu điện. Các chuyến xe buýt thưa thớt thì ghé vào đón khách ở ga rồi đi ngay. Đã một giờ trôi qua. 5 giờ chiều ở Pháp. Cái lạnh đầu mùa tháng 9 đủ làm tôi co ro trong chiếc áo ấm mỏng tang mang từ Đức qua. Tôi thấy mình cô đơn giữa dòng người lạ lẫm không cùng chủng tộc này quá đỗi. Một người Pháp gốc Á đi hội chợ gần đó ghé tai tôi nhắc nhở cẩn thận với tiền bạc và túi xách của mình: “Khu này đa số là dân nhập cư đến từ châu Phi, nên rất phức tạp. Cướp giật, gây gổ đánh nhau dữ lắm”.

Hóa ra là vậy. Từ khi bước lên chuyến tàu tới đây, tôi cứ ngỡ mình đang đâu đó ở Nigeria hay Kenya xa xôi. Ở ga tàu, người da đen gần như 100%. Nhiều thanh niên bặm trợn đi lại, trọc đầu, quần xệ, khoen tai, xăm mình, dây xích lủng lẳng từ áo xuống quần… Đã 2 giờ trôi qua tôi vẫn chưa tìm được cách nào để về nhà bạn. Thử vận may lần nữa, tôi tiếp cận một thanh niên để… mượn điện thoại. Thanh niên này ban đầu ngơ ngác, sau cũng hiểu nên lấy số bấm điện thoại nói chuyện với bạn của tôi và dặn: “Cứ đứng đây, bạn mày sẽ tới đón”.

Bạn tôi kể, khu này phức tạp lắm. Thường xuyên bị mất cắp vặt. Nhà bạn tôi kín cổng cao tường, thế mà vẫn bị trộm trèo vào lấy mất chiếc xe đạp. Xe hơi để ngoài, bị trộm bẻ kiếng, mở khóa cửa lấy đồ bên trong. Chị bạn người Việt của bạn tôi nghe đồng hương tới chơi nên đến thăm rồi gửi quà về quê. Chị tranh thủ về sớm bởi đoạn đường đi bộ từ nhà ra ga tàu điện ngầm Le Counneuve có lần chị bị giựt mất giỏ xách. Bạn tôi là thanh niên, nhưng mỗi đêm đi chơi về ngang qua những nhóm da đen tụm ba tụm bảy bên đường cũng thấy ớn. “Đi chơi ở Paris, luôn cẩn thận với tiền bạc. Hộ chiếu giữ bên người để cảnh sát hỏi bất ngờ còn đưa ra được, nhưng hớ hênh bị móc túi là khỏi về Việt Nam sớm”, bạn tôi khuyến cáo.

 
Người đàn bà quỳ mọp trên vỉa hè đại lộ Champs Elysee để xin tiền - Ảnh: N.T.Tâm

 
Bán mô hình tháp Eiffel chui 

Mặt trái của sự hào nhoáng

Paris vẫn giữ vẻ đẹp hào nhoáng của mình cả trăm năm nay. Nhưng bên trong vẻ đẹp đó là một phần rất thực của đời sống người dân thành phố này. Một sự thật rất trái ngược với những gì mà Paris đang khoác lên mình. Sáng hôm sau ngày đến được nhà bạn, tôi bắt chuyến tàu điện ngầm đi từ ga đầu tiên của vùng ngoại ô vào trung tâm Paris. Phải mất 7 - 8 giờ tàu mới tới được ga Opera ở trung tâm. Xung quanh đường hầm xuống ga là các chợ trời bày bán đủ thứ bên lề đường, từ quần áo ấm cho tới rau củ quả. Lộn xộn như những chợ tự phát ở ta. Người bán đa phần là người gốc Ấn hoặc gốc Phi.

Đường tàu điện ngầm của Paris cũ kỹ và lộn xộn. Trên các ghế đá dọc đường ở trong ga, thường xuyên thấy cảnh người vô gia cư nằm ngủ. Ở dưới tàu điện ngầm là một thế giới hoàn toàn khác với trên kia, nơi những chiếc xe hạng sang ì ầm nẹt pô, còn dưới đây là phương tiện của người nghèo, mà đa số là người nhập cư. Hôm lên quận 13 có cộng đồng người Việt sinh sống đông đúc nhất Paris, lúc về lại nhà vào giữa đêm, mấy đồng hương mà tôi quen ở đây nhắc nhở tôi cẩn thận với đồ đạc. Nói chung, đừng tò mò chăm chăm nhìn vào người lạ. Có hôm xuống một ga trong thành phố, thấy cảnh người đàn ông đang chơi đàn guitar để xin tiền, bên cạnh là dàn âm thanh cỡ lớn, vang dội cả ga, tôi lấy máy chụp hình. Ngay lập tức gã trừng mắt nhìn tôi và hét lên câu gì đó bằng tiếng Pháp. Nhưng khi thấy tôi bỏ tiền vào cái mũ trước mặt, gã liền cười tươi.

Đến Paris mà không tới ngắm tháp Eiffel thì coi như chưa tới. Cũng bởi vẻ đẹp mang tính biểu tượng mà Eiffel bao giờ cũng ken đặc du khách. Mỗi năm, Paris đón gần 40 triệu khách nước ngoài, có lẽ 40 triệu người đấy đều đến thăm Eiffel. Hàng trăm người xếp hàng chờ leo lên tháp, đông nhất vào cuối tuần, đến nỗi cả buổi sáng vẫn chưa tới lượt. Bởi có rất đông du khách nên Eiffel bao giờ cũng bận rộn. Phía quảng trường, có rất nhiều kiểu kiếm tiền của người dân nơi đây. Những chàng trai da đen tập trung thành nhóm đi bán các mô hình tháp Eiffel thu nhỏ cho du khách, có giá rẻ bằng phân nửa trong cửa hàng. Nhác thấy bóng xe cảnh sát chạy qua, nhóm người này bỏ chạy tán loạn. Hễ thấy du khách nào nhìn vào mình, ngay lập tức họ tiếp cận và chèo kéo đến khi nào mua mới thôi. Đông nhất có lẽ là lực lượng những người chơi đàn để xin tiền, ở mọi ngóc ngách. Bên cạnh đó là lực lượng đóng giả làm tượng để khách chụp hình. Những bức tượng ấy đứng im hàng giờ trong cái gió lạnh lẽo của Paris đầu đông. Người chơi đàn để kiếm tiền ở Paris nhiều nhất trên thế giới, tôi chắc là như vậy. Xin tiền ở khắp nơi trong thành phố, cả ngày lẫn đêm. Đâu có du khách là ở đó có xin tiền.

Nhưng có lẽ, hình ảnh ám ảnh nhất đối với tôi ở Paris hoa lệ này là những phận người khốn khó. Những vỉa than nóng nướng hạt dẻ đặt bên lề đường; những thanh niên bán bia chui bên ngoài đồi Montmartre; những người già ngồi bất động bên lề đường xin tiền… Nhưng hình ảnh khiến tôi chẳng thể nào quên được là từng dòng người sang trọng hững hờ lướt qua người đàn bà quỳ mọp trên vỉa hè đại lộ Champs Elysee, biểu tượng của sự giàu sang của thế giới. Hình ảnh đối nghịch tàn nhẫn nhất mà tôi từng thấy. Champ Elysee lộng lẫy, hai bên đường là những cửa hàng thời trang với nhiều thương hiệu cao cấp bậc nhất. Chỉ những người giàu có mới tới đây mua sắm. Người đàn bà quỳ gối giữa vỉa hè lát đá hoa cương bóng láng, mặt cúi sát đất, hai tay cầm ly nhựa xin tiền vươn về phía trước. Bà quỳ gối ở đó từ ngày này qua ngày khác, rách rưới và đau đớn. 

N.Trần Tâm

>> Chiếu phim tại Paris nhân khai mạc YxineFF
>> Xe đạp trở thành thời trang ở Paris
>> Paris thu nhỏ
>> Đế chế người chết" dưới lòng Paris
>> Bệnh viện công ở Paris “tán tỉnh” bệnh nhân nước ngoài
>> Muốn cưới Paris Hilton
>> “Một thoáng Paris”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.