Úc - Singapore sau sự kiện “tro tàn của châu Á”

13/10/2012 07:31 GMT+7

Thủ tướng Úc Julia Gillard nói lãnh đạo nước này “bị ám ảnh” bởi lời khuyến cáo của Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu năm 1980.

Trong chuyến thăm xứ chuột túi dưới thời ông Malcolm Fraser, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã “thẳng tuốt” nói với người tương nhiệm rằng nếu không cải cách, Úc sẽ trở thành “tro tàn của châu Á”. Ông Lý cũng viết trong hồi ký Câu chuyện Singapore: 1965-2000 rằng: “Tôi đã mất nhiều năm thuyết phục Malcolm Fraser nên mở cửa nền kinh tế để cạnh tranh và trở thành một phần của khu vực… Nhưng các chính sách bảo hộ kinh tế của họ đã cắt rời Úc khỏi những nền kinh tế đang lên”.

Tình thân qua lời “nghịch nhĩ”

Lời phát biểu “bề trên” của ông Lý tuy vậy không làm mất lòng lãnh đạo và người dân Úc. Khi nhậm chức năm 1983, tân Thủ tướng Robert Hawke thừa nhận: “Điều ông Lý nói là đúng”. Hơn 30 năm qua, câu nói “nghịch nhĩ” này thi thoảng được nhắc lại như một lời nhắc nhở.

Mới nhất, ngày 11.10 tại Canberra, Thủ tướng Úc Julia Gillard “biệt đãi” lãnh đạo Singapore Lý Hiển Long bằng câu chuyện năm xưa. “Người Úc chúng tôi trân trọng và thích những lời nói thẳng… Chúng tôi không bao giờ quên lời ông Lý Quang Diệu, bởi nó đã ám ảnh một thế hệ lãnh đạo Úc”, bà Gillard phát biểu. Bà cũng nói mình coi thân phụ ông Lý Hiển Long như “người chú đáng kính”.

 Úc - Singapore sau sự kiện “tro tàn của châu Á”
Quan hệ Úc - Singapore phát triển tốt đẹp sau phát biểu gây sốc của ông Lý Quang Diệu - Ảnh: AFP

Phát biểu của bà Gillard khiến lãnh đạo đối lập Tony Abbott có mặt trong bữa tiệc cũng phải “đồng thanh”: “Câu nói ấy từng đặt tôi vào tình trạng bất an và phân tán. Bởi đúng thời điểm đó, một trong những thần tượng về chính trị của tôi là bà Margaret Thatcher đã nói rằng ông Lý Quang Diệu không bao giờ sai lầm”. Năm 2007, nhân chuyến thăm lại Úc trong vị trí Bộ trưởng Cố vấn, ông Lý Quang Diệu đã “sửa sai” bằng phát biểu: “Đôi khi, có những câu nói được tuôn ra giữa lúc tranh luận gay gắt mà chỉ có thể chấp nhận được vào thời điểm đó. Các bạn đã thay đổi”.

Cùng chiến tuyến

Suốt thập niên 1970, ông Lý Quang Diệu không thuyết phục được Úc cho phép quân đội Singapore huấn luyện trên xứ chuột túi, trong khi New Zealand rất hào phóng với người bạn cùng khối Thịnh vượng chung. Nhưng năm 1980, chính Thủ tướng Fraser đã đồng ý cho không quân Singapore đóng tại căn cứ quân sự Úc để huấn luyện và tập trận cùng nhau cho đến nay với quy mô ngày càng mở rộng.

Bà Gillard ngày 11.10 khẳng định Úc có quan hệ quốc phòng thân thiết với Singapore hơn với bất cứ nước châu Á nào khác. Đổi lại, Thủ tướng Lý Hiển Long cam kết sẽ ủng hộ Úc trong cuộc chạy đua với Luxembourg và Phần Lan để giành một ghế trong Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2013-2014. “Úc là một phần quan trọng trong kiến trúc an ninh khu vực và sẽ đem lại lợi ích cho châu Á - Thái Bình Dương trong vai trò đại diện tại Hội đồng bảo an”, ông Lý nói.

Trong cuộc phỏng vấn với báo The Australian tại Singapore trước thềm chuyến thăm Úc từ 9-12.10, ông Lý cũng ủng hộ quyết định của Canberra cho phép Mỹ điều 2.500 lính thủy đánh bộ đến Darwin. Quyết định này đang gây tranh cãi trong nội bộ Úc bởi lo ngại ảnh hưởng quan hệ với Trung Quốc. “Đó là quyết định được đưa ra bởi Mỹ và Úc. Chúng tôi vui mừng vì người Mỹ hiện diện ở khu vực này”, ông Lý nói. Ông giải thích: “Mỹ đã hiện diện ở đây từ sau Thế chiến 2. Một số nước khác ủng hộ sự hiện diện này, bởi Mỹ có nhiều bạn bè và lợi ích ở đây”. Ông nói thêm Singapore không cho Mỹ đóng quân nhưng “hỗ trợ tối đa trong khả năng về hậu cần”.

Dù vậy, ông Lý cũng thừa nhận: “Trung Quốc có ảnh hưởng ngày càng lớn trên mặt trận thương mại mà các nước trong khu vực đều đón nhận”. Nhận định này cũng không khác với chủ trương đẩy mạnh quan hệ kinh tế và ngoại giao với Trung Quốc của Úc. Bàn về vấn đề tranh chấp lãnh hải, ông Lý nói với The Australian rằng nguy cơ dân tộc tính có thể dẫn đến xung đột trên biển làm thiệt hại nhân mạng “chẳng vì lý do gì” và khiến tình hình leo thang. “Đó là điều rất tồi tệ cho cả khu vực”, ông nói, và nhấn mạnh ASEAN, cũng như Singapore với tư cách một thành viên, phải hành động hướng tới một quy tắc ứng xử trên biển.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Lý Quang Diệu, Helmut Schmidt viết sách chung
>> Chàng trai Việt nấu ăn cho Lý Quang Diệu
>> Ông Lý Quang Diệu mắc bệnh hiếm gặp
>> Ông Lý Quang Diệu chính thức nghỉ hưu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.