>> Kỳ 6: Cư “hình sự” giải mã trọng án
“Hai tay hai súng”
Được sự giới thiệu của đại tá Trần Đức Việt, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị, tôi liên lạc với thiếu tá Tịnh và được biết anh đang theo một chuyên án ma túy suốt nửa tháng nay chưa về nhà. Khi gặp tôi, đôi mắt anh thâm quầng vì thiếu ngủ. Anh Tịnh quê gốc ở Quảng Bình, nhưng thời trẻ lại tham gia lực lượng CSCĐ Công an Quảng Trị. Sau 3 năm anh được cử đi học trung học cảnh sát chuyên ngành điều tra tội phạm và đến cuối năm 1997 về phòng CSĐT (Công an tỉnh Quảng Trị) công tác. “Đúng ra tôi là điều tra viên chỉ thực hiện điều tra án nhưng hiện tại lực lượng của đơn vị thiếu, hơn nữa theo yêu cầu của công tác nên tôi được giao thêm công tác theo dõi, quản lý địa bàn H.Triệu Phong, H.Hải Lăng và TX.Quảng Trị. Chính vì vậy tôi thường xuyên làm nhiệm vụ trinh sát. Làm hoài rồi thành quen, anh em cứ hay trêu tôi “hai tay hai súng” là vì vậy”, anh Tịnh lý giải. Điều khiến đồng đội phải phục “gã trai có khuôn mặt trẻ con” này chính là anh có trí nhớ cực tốt. Anh bảo trong quá trình phá án có thể nhớ chừng 200 số điện thoại. Chuyện trò hơn 3 giờ đồng hồ cùng tôi, dù không sổ sách nhưng anh kể vanh vách từng án một có đầy đủ ngày giờ, danh tính nạn nhân cũng như kẻ thủ ác.
|
Khiến tội phạm tâm phục, khẩu phục
Suốt thời gian “làm nghề”, anh Tịnh đã cùng đồng đội dấn thân vào nhiều vụ án. Nhưng “cuộc đấu” mà anh nhớ nhất là với cử nhân luật Nguyễn Tuấn Phương (quê Vĩnh Phúc). Anh bảo truy bắt tội phạm là một chuyện, còn tóm được thóp của chúng lại là chuyện khác. Ngày 19.12.2010, Phương đóng giả là hướng dẫn viên du lịch thuê xe ô tô từ TP.HCM đi ra bắc đón khách. Đến TP.Huế, Phương lừa tài xế xuống xe rồi rồ ga bỏ chạy. Vì trên xe có thiết bị định vị nên Phương bị Công an tỉnh Quảng Trị bắt ngay sau đó tại QL9 khi đang thay biển số giả. “Phương là kẻ có học, rất am hiểu luật hình sự nên mọi lời khai của y đều hướng vào hành vi “trộm cắp” thay vì hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hòng giảm nhẹ tội. Để nghi can tâm phục, khẩu phục, tôi đã vận dụng tất cả kiến thức về luật, truy tìm những chứng cứ dù mỏng manh nhất để đấu tranh với Phương. Không chỉ nhận tội, Phương còn khai ra 18 vụ trộm, lừa đảo chiếm đoạt ô tô khác mà y đã thực hiện chỉ trong vòng 1 năm trên địa bàn cả nước”, thiếu tá Tịnh kể.
Trong vụ bắt cóc bé Nguyễn Văn Đạt (7 tuổi, trú Hải Lăng) do hai anh em Phan Quang Thoan, Phan Quang Thoại (cùng quê Nghệ An) thực hiện ngày 7.8.2012 để tống tiền, thiếu tá Tịnh đã cùng đồng đội lặn lội vào Đà Nẵng, Quảng Nam để lùng sục nghi phạm. Có thời điểm, phần thua của cuộc đấu trí như đã thuộc về lực lượng chức năng khi nghi phạm đã mạo danh người khác, đẩy tiến trình điều tra vào ngõ cụt. Nhưng từ những manh mối nhỏ, tổ trinh sát đã phát hiện nghi phạm đang có mặt vùng rừng núi thuộc xã Ba (H.Đông Giang, Quảng Nam) và tóm được Thoại ở trung tâm xã. Qua lời khai của Thoại, tổ trinh sát biết bé Đạt đang ở cùng Thoan trong rừng sâu. Ngặt nỗi, trời đã tối và theo những người dân địa phương thì đường vào không hề dễ. Nhưng để chạy đua với thời gian, đảm bảo tính bất ngờ, tổ trinh sát cùng với lực lượng chức năng H.Đông Giang quyết định đốt đuốc, mò mẫm vào rừng ngay trong đêm. “Lúc gần đến lán, để tách Thoan và bé Đạt ra tránh trường hợp cùng đường Thoan khống chế bé gây áp lực, tôi yêu cầu Thoại vờ gọi: “Thoan ơi, ra bê giúp cái túi với, nặng quá…”. Trong đêm tối, Thoan vừa ra khỏi lán để “giúp em” thì đã bị chúng tôi quật ngã”, thiếu tá Tịnh kể. Trên đường di lý về Quảng Trị, hai anh em Thoan, Thoại vẫn nói rằng do đã chuẩn bị kịch bản kỹ càng nên không thể ngờ mình bị trinh sát khuất phục “êm đẹp” đến vậy.
Đấu trí không lại, bọn tội phạm chuyển sang mua chuộc anh. Ngày 25.2, khi lực lượng Công an tỉnh Quảng Trị phá được vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn (tang vật thu giữ gồm 7 kg ma túy tổng hợp dạng đá, hơn 12.000 viên thuốc lắc, hàng trăm ngàn USD, súng, đạn…), anh Tịnh là người được phân công làm tổ trưởng tổ công tác đầu tiên tiếp cận với 2 nghi phạm chính là Trần Tuấn Anh và Lê Thanh Luân (cùng trú Nghệ An) để “đấu trí”. Tuấn Anh và Luân giở trò “gạ gẫm” bằng số tiền từ 1 tỉ rồi 2 tỉ đồng để thiếu tá Tịnh “du di chút đỉnh”, nhưng anh đã khoát tay từ chối.
Trăn trở của người làm án Thiếu tá Tịnh bộc bạch: Tính chất tội phạm ở Quảng Trị chưa đến mức hình thành các nhóm xã hội đen như ở các TP lớn nên không mấy khi trinh sát phải rượt đuổi, nổ súng trên đường. “Án hình sự ở địa phương thường bắt nguồn từ những mâu thuẫn gia đình, xã hội giản đơn. Cứ tiếp cận mỗi vụ án, chúng tôi lại như nhận một vết đau cho nhân tình thế thái”, vị đội trưởng thở dài, rồi kể cho tôi nghe câu chuyện về một cựu chiến binh tên L.V.H (hơn 60 tuổi) ở xã Ba Lòng (H.Đakrông) giết và đốt xác vợ vào năm 1998 chỉ vì tranh cãi về việc đưa trâu đi ăn. Chuyện về Lê Văn Khỏe (có tiền sử về bệnh tâm thân) sát hại mẹ ruột bằng 5 nhát cuốc vào tháng 10.2010. Hay về một cô giáo ở xã Cam Tuyền (H.Cam Lộ, cũng có dấu hiệu tâm thần) ném 2 đứa con xuống giếng sâu vào tháng 8.2011. “Vụ của ông H. là điển hình cho những mâu thuẫn gia đình nhỏ nhặt nhưng được người trong cuộc giải quyết bằng cách tiêu cực nhất. Còn 2 vụ sau, tôi cho rằng ngoài gia đình còn có trách nhiệm của xã hội, của địa phương. Họ đã không làm hết trách nhiệm, bởi ngay từ đầu Khỏe và cô giáo ấy đã có nhiều biểu hiện tâm thần rõ rệt, từng la hét, từng đánh người nhưng lại không được sự quan tâm”, anh Tịnh nói. |
>> Trinh sát kể chuyện: SBC đẹp trai
>> Trinh sát kể chuyện - Kỳ 2: Cao thủ taekwondo bắt cướp
>> Trinh sát kể chuyện - Kỳ 3: Người mê săn bắt cướp
>> Trinh sát kể chuyện - Kỳ 4: Thiện xạ trên đường phố
>> Trinh sát kể chuyện - Kỳ 5: Nghĩa “đen” phá án
>> Trinh sát kể chuyện - Kỳ 6: Cư “hình sự” giải mã trọng án
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)