Chuyện địa phương: Bất cập nhà văn hóa thôn ấp

15/10/2012 10:05 GMT+7

Theo chiến lược phát triển văn hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020; các tỉnh, thành phố phấn đấu đạt 90-100% số quận, huyện, thị xã có Nhà văn hóa (NVH) và thư viện; 80% số xã và thị trấn có NVH; 60 – 70% số làng, bản, ấp có NVH.

Chuyện địa phương: Bất cập nhà văn hóa thôn ấp
NVH cộng đồng thôn 4 (xã Đức Liễu, H.Bù Đăng) là một trong những NVH được CBRIP tài trợ, chất lượng còn khá tốt - Ảnh Nhật Văn

Để hiện thực mục tiêu này, từ năm 2003 đến nay, tỉnh Bình Phước đã cho xây dựng đồng loạt các NVH cộng đồng thôn ấp. “Vì chạy theo số lượng, nên chất lượng hoạt động của các NVH chưa cao, không phát huy hết ý nghĩa vốn có của nó”, ông Đỗ Văn Chấn, Trưởng thôn 1 (xã Long Hưng, H.Bù Gia Mập) nói. Còn ông Điểu Toàn, Trưởng thôn 4 (xã Đức Liễu, H.Bù Đăng) cho biết: “Tiêu chuẩn diện tích xây dựng NVH cộng đồng thôn ấp là 5.000 m2, gồm khuôn viên, sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… Nhưng đa phần vì quỹ đất nghèo, nên chỉ cần 3.000 – 3.200 m2 là cho xây dựng. Với diện tích này chỉ đủ xây nhà và khuôn viên”.  

Mới đây, Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Phước cho biết, hơn 80% NVH trong tổng số 851 NVH (do nhà nước và nhân dân đóng góp xây dựng) trên địa bàn chưa đạt chuẩn về cơ sở vật chất (diện tích nhỏ, không có nhà để xe, không nhà vệ sinh, hệ thống âm thanh thiếu…). Còn theo khảo sát thực tế của Ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh này, hơn 80% trong số 214 NVH (được xây dựng từ ngân sách nhà nước; 90 triệu đồng/NVH) hiện đang xuống cấp, hư hỏng. Trang thiết bị phục vụ trong các NVH (10 triệu đồng/NVH), gồm: cờ tổ quốc, tượng Bác Hồ, bàn ghế, tủ sách…đã hư, cũ, không thể sử dụng. Một số NVH không có điện, đành phủ mền chờ mục nát.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều NVH cộng đồng của đồng bào dân tộc, người dân không dám ngồi sinh hoạt trên sàn nhà vì sợ bị sập như: NVH ấp Tà Tê, Cần Dựt, Ka Liêu, Đồi Đá (H.Lộc Ninh). Hơn nữa, khi triển khai xây dựng, đa phần các NVH cộng đồng thôn ấp lại không tham khảo ý kiến của người dân về kiểu dáng, kích thước, vật liệu xây dựng nên mẫu nhà không thống nhất, không đúng hình dáng nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc.

Ông Điểu Toàn cho biết: “Ngoài một số NVH do nhân dân đóng góp đầu tư, có diện tích rộng và có sân bóng chuyền, cầu lông nên đáp ứng được nhu cầu hoạt động thể dục thể thao của thanh thiếu niên. Còn lại, các NVH hiện chỉ dừng lại ở việc tổ chức các buổi hội họp, làm việc của ban điều hành thôn, ấp. Không có sân thể thao, không có công trình phụ”.

Nhật Văn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.