Nhức nhối nạn bán đất mặt

15/10/2012 09:34 GMT+7

Do không sở làm, túng tiền… nhiều hộ gia đình ở An Giang đã bán đi lớp đất mặt cho các lò gạch. Những mảnh ruộng phì nhiêu bị “xẻo thịt” đã trở thành đất ao, đìa nham nhở.

Nhức nhối nạn bán đất mặt
Dân ồ ạt bán đất mặt làm gạch nung - Ảnh: Trường An

Nhức nhối nạn bán đất mặt
 Nhân công chuyển đất mặt từ ghe lên lò gạch - Ảnh: Trường An

Xẻo lớp phù sa

Mặc dù con lũ đầu nguồn lên chậm, nhưng đây chính là thời điểm các chủ lò gạch tìm mua đất mặt mạnh nhất. Đất mặt được xem là lớp đất màu mỡ, giúp cây lúa phát triển tốt, đạt năng suất cao. Khi lớp đất này bị lấy đi sẽ làm cho mảnh ruộng trở nên bạc màu.

Có mặt tại cánh đồng ở ấp Bình Hưng 2 (xã Bình Mỹ, H.Châu Phú) vào buổi sáng sớm, chúng tôi thấy đội quân lấy đất mặt làm việc rất tích cực. Hàng chục chiếc “xáng cơm” cùng 3 chiếc máy nhồi đất công suất lớn đang hoạt động ì ầm. Đất từ ngoài ruộng được “xáng cơm” cắt lớp, cho vào cối nhào, đánh ra từng bánh nhỏ, rồi chất xuống ghe. Từ đây, đất sẽ được chạy thành từng viên gạch, cho vào lò nung và tung ra thị trường.

Vừa bán lớp đất mặt 4 tấc trên diện tích 3.500 m2 với giá 122 triệu đồng, ông Lê Thanh Hiệp (ngụ xã Bình Mỹ) nói: “Vụ hè thu vừa rồi, ruộng lúa nhà tôi đạt năng suất khá, nhưng do giá lúa chỉ có 4.100 đồng/kg nên sau khi trừ chi phí thì… phủi tay. Thấy ông chủ lò gạch đến mua đất mặt với giá 35 triệu đồng/ công, tôi đã bán để lấy tiền trả nợ và sống qua mùa lũ. Bán đất mặt khỏe re, chẳng đụng đến móng tay mà tự dưng tiền cứ tới. Sướng hơn làm lúa gấp nhiều lần”.

Nghe chúng tôi lo ngại việc bán đất mặt sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lúa, ông Hiệp buông lời chắc nịch: “Thất bát gì chú em ơi! Người ta chỉ lấy một lớp khoảng 4 tấc thôi. Năm ngoái có một nông dân gần đất tôi cũng bán, nước rút ổng sản xuất lúa cũng trúng ào ào”. Còn ông chủ lò gạch thì phớt lờ: “Từ trước tới giờ, tôi mua không biết bao nhiêu công đất ruộng mà chẳng thấy ai than thất mùa. Khi thấy tôi đến mua đất, họ còn cám ơn hổng hết, bởi tui mua giá cao hơn các chủ lò gạch khác mà”.

Ruộng thành ao, đìa

Mùa nước nổi này, ông Tư Còn cũng mới bán cho chủ lò gạch tên Dũng 4 công đất mặt. Trên mảnh ruộng của ông Còn hiện có đến 40 người, với khoảng 10 chiếc “xáng cơm” và 3 máy nhồi đất có công suất lớn đang “ngốn” những thớ đất “mật”. Lớp đất mặt được “móc” đi đã bỏ lại một mảnh ruộng trũng nham nhở. Có hộ còn đánh liều bán đến 2 lớp đất (8 tấc). Ông Hiệp chỉ mặt từng nhà: “Thằng Mười mới mất, vợ nó bán xong 4 công đất mặt; giờ đã trả nợ xong. Cuộc sống túng thiếu, nó “thẻo” thêm một lớp 4 tấc nữa cũng với giá 35 triệu đồng/công. Mảnh ruộng của nó bây giờ như cái hầm nuôi cá vậy”.

Trên kênh Hội Đồng Nỹ (xã Bình Hòa, H.Châu Thành) vào mùa nước tràn đồng, vỏ lãi cỡ lớn chạy rần rần để chở đất mặt. Theo nhìn nhận của một số chuyên gia ngành nông nghiệp, nếu lấy một phần đất sâu 4 tấc thì lớp phù sa trên mặt ruộng sẽ bị mất đi, đến vụ sản xuất năm sau, năng suất lúa sẽ giảm đáng kể. Theo thống kê của Sở TN-MT An Giang, toàn tỉnh hiện có đến 1.640 lò gạch nung, tập trung chủ yếu ở các huyện Chợ Mới, Châu Phú, Châu Thành.

Thạc sĩ Trần Anh Thư, Phó giám đốc Sở TN-MT nhìn nhận, tình trạng lấy đất mặt để sản xuất gạch ngói sẽ gây thiệt hại lớn cho xã hội, đặc biệt là làm cạn kiệt độ phì nhiêu của đất. Ngoài ra, nó còn tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với những hộ xung quanh. Bởi một hộ bán xong lớp đất mặt thì phần đất ruộng sẽ để lại một khoảng trũng. Khi lũ về, phù sa chủ yếu dồn về phần đất trũng. Trong quá trình bơm nước vào ruộng, mạch nước từ ruộng lúa sẽ rút dần xuống khoảng ruộng này và gây ra thất mùa. Ngoài ra, khi thu hoạch, máy gặt đập sẽ khó có thể “bơi” qua phần ruộng của nông dân lân cận để cắt.

Tuy đã được chính quyền địa phương cảnh báo nhiều lần nhưng hiện nay, nạn buôn bán đất mặt vẫn diễn ra thường xuyên. “Trong thời gian tới, Sở TN-MT sẽ lên kế hoạch giám sát chặt chẽ tình trạng lấy đất mặt bằng vệ tinh để có biện pháp xử lý thật nghiêm”, ông Thư khẳng định.

Trường An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.