Hơn 500 km lộ làng
Một trong những chuyển biến tích cực và rõ rệt nhất sau khi chương trình quốc gia xây dựng NTM được triển khai ở H.Châu Thành đó là giao thông nông thôn (GTNT). Trước đây, khi mới chia tách tỉnh Hậu Giang (năm 2004, từ tỉnh Cần Thơ cũ), H.Châu Thành tuy có vị trí tiếp giáp với TP.Cần Thơ, là cửa ngõ của tỉnh Hậu Giang nhưng GTNT còn rất nhiều khó khăn. Bằng sự quyết tâm, đồng thuận của nhân dân và chính quyền địa phương, phong trào xây dựng GTNT ở H.Châu Thành đã được triển khai rộng khắp các xã. Đặc biệt, từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM đến nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn trước đây mưa xuống lầy lội, đi bộ cũng khó khăn thì nay đều được thay bằng đường bê tông, đi lại rất thuận tiện.
|
Ông Võ Văn Thắng, Chủ tịch UBND H.Châu Thành, phấn khởi nói: “Dự kiến đến năm 2013, huyện sẽ bê tông hóa toàn bộ hệ thống GTNT đúng với tiêu chí mà Bộ GTVT đề ra trong xây dựng NTM và đến năm 2020 các xã trong huyện đều đạt tiêu chuẩn xã NTM”.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào xây dựng NTM ở H.Châu Thành đã thực sự phát huy hiệu quả; mỗi công trình đi qua đều được người dân ủng hộ, góp sức, hiến đất, hoa màu… Nhờ vậy, từ năm 2004 đến nay, huyện đã hoàn thành hơn 500 km đường GTNT; toàn huyện có 8/9 xã, thị trấn có đường ô tô về đến trung tâm, 60/60 ấp có đường xe 2 bánh đi lại thuận lợi cả 2 mùa mưa nắng. Phát triển hệ thống GTNT kết hợp với đê bao chống lũ lan rộng khắp các xã đang tạo nên bộ mặt mới cho nông thôn H.Châu Thành. Đơn cử như xã Phú Hữu đã vận động nhân dân xây gạch làm đê chống lũ với chiều rộng 0,2m, cao 0,3m, chiều dài 4.000 m dọc theo sông Mái Dầm, kênh Nhỏ Cụt. Theo ông Võ Văn Thắng, đây là một trong những công trình tiêu biểu có được đồng thuận cao của nhân dân vừa giúp ngăn lũ, bảo vệ mùa màng, vừa làm đẹp cho đường giao thông. Đó chính là những công trình góp phần phát triển nông thôn và là nền tảng giúp phong trào xây dựng NTM càng thuận lợi hơn.
Nhân rộng mô hình xây dựng NTM
Khi bắt đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, UBND H.Châu Thành xác định đây là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu lâu dài và đồng bộ của toàn thể cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Từ định hướng này, nhiều quyết định đã được đưa ra và bước đầu mang lại kết quả khả quan; trong đó có thể kể đến sự chỉ đạo ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch GlobalGap, VietGap... Cùng với đó, ở các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và y tế, H.Châu Thành cũng tập trung nhiều nguồn lực để đẩy mạnh xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, chăm sóc sức khỏe cũng như giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn.
Theo UBND H.Châu Thành, qua khảo sát đến nay, 2 xã được huyện chọn làm xã điểm để xây dựng NTM là Đông Thạnh và Phú Hữu đạt được 8/19 tiêu chí (theo quy định). Từ 2 xã điểm trên, phong trào xây dựng NTM tiếp tục được nhân rộng ra khắp 5 xã còn lại trên địa bàn. Hiện nay, các xã này cũng đã đạt từ 5 đến 7/19 tiêu chí xây dựng NTM. Năm 2012, UBND huyện đã giao chỉ tiêu xây dựng NTM cho các xã thực hiện, cụ thể: xã Đông Thạnh thêm 6 tiêu chí; xã Đông Phú thêm 5 tiêu chí; 2 xã Phú Hữu và Đông Phước: thêm 3 tiêu chí; 3 xã: Phú Tân, Phú An và Đông Phước A: thêm 2 tiêu chí.
Có thể nói, với những hướng đi hợp lý trong xây dựng NTM, mục tiêu đến năm 2020 trở thành một trong những huyện đi đầu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang đang nằm trong tầm tay của nhân dân và các cấp chính quyền ở H.Châu Thành.
Tú Uyên
Bình luận (0)