Để lên được Đền Hùng, trước tiên phải qua cổng đền, đi dưới những tán cây rừng mát rượi một đoạn là đến khu đền Hạ. Tương truyền, đây chính là nơi mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành trăm con, cội nguồn dân tộc ta được bắt đầu từ đây. Dấu tích giếng Mắt Rồng là nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng nay vẫn còn ở phía sau đền. Bên cạnh đền Hạ có một ngôi chùa, mang tên Thiên Quang Thiền Tự. Trước cửa chùa có cây thiên tuế 800 năm tuổi.
|
Qua đền Hạ đến đền Trung, nơi vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo vì đã làm ra bánh chưng, bánh dày. Cao nhất là đền Thượng được đặt trên đỉnh núi, thờ 18 vị vua Hùng. Tương truyền các vua Hùng thường lên đỉnh núi để tiến hành các nghi lễ tín ngưỡng, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Trong đền Thượng có bức đại tự đề “Nam Việt triệu tổ” (Tổ khai sáng nước Việt Nam). Bên trái đền có một cột đá do Thục Phán dựng lên khi được vua Hùng thứ 18 truyền ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước. Cột đá cao 1,3 m, rộng 0,3 m, hình vuông. Phía đông đền Thượng là lăng vua Hùng. Lăng hình vuông, trong lăng có mộ vua.
Ngoài các đền Hạ Trung Thượng, khu di tích còn có đền Giếng thờ hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của vua Hùng thứ 18) đã có công dạy nhân dân trồng lúa nước, trị thủy; đền Tổ mẫu Âu Cơ thờ mẹ Âu Cơ và hai lạc hầu, lạc tướng; Bảo tàng Hùng Vương trưng bày hàng ngàn hiện vật khắc họa tổng thể truyền thuyết các vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất Phong Châu lịch sử xưa.
Về thăm đất tổ là một niềm vinh dự, hạnh phúc, bước lên từng bậc thang lát đá dưới những tán rừng nguyên sinh, nghe rộn tiếng ve ngân, ngắm nhìn từng hiện vật mà cảm thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng biết bao.
Tuy An
Bình luận (0)