Luẩn quẩn tiền lương

18/10/2012 04:23 GMT+7

Việc Chính phủ chưa bố trí được nguồn để tiếp tục tăng lương tối thiểu theo lộ trình vào năm 2013 đã khiến Thường vụ QH trong phiên thảo luận hôm 16.10 không hài lòng và chắc chắn sẽ làm thất vọng nhiều công chức, viên chức đang thực sự chỉ sống bằng lương.

Nhưng sự thật thì đây là khả năng đã được nhiều chuyên gia dự đoán khi thảo luận Đề án cải cách tiền lương (CCTL) giai đoạn 2013-2020 ngay từ hồi đầu năm.

CCTL là một nội dung trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước. Trong đó Chính phủ xác định, đến năm 2020 lương của cán bộ, công chức, viên chức được cải cách cơ bản, bảo đảm được cuộc sống và gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội. Nhưng vấn đề là, việc cải cách đó trong hơn 10 năm qua mới chỉ dừng lại ở việc tăng lương tối thiểu (từ 2003 đến nay tăng lương tối thiểu 8 lần, tăng cao và liên tục từ năm 2008, với mức tăng 20%/năm), các vấn đề khác như nâng cao chất lượng đội ngũ, hệ thống thang bảng lương, đổi mới cơ chế tài chính… hầu như chưa chuyển động.

Khi nguồn tăng lương trông chờ tuyệt đối vào ngân sách nhà nước (NSNN) thì đương nhiên tăng trưởng suy giảm, kinh tế khó khăn, chi thường xuyên sẽ bị cắt giảm, ngân sách dành cho tăng lương tối thiểu sẽ mỏng đi và quyết định hoãn tăng lương không sai. Nhưng nếu xét về quản trị xã hội và mục tiêu an sinh thì đây lại là giải pháp tối.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, một người có quá nhiều kinh  nghiệm trong lĩnh vực tài chính, chỉ “nhìn qua” đã giúp Bộ Tài chính tìm ra nguồn 25.000 tỉ để tăng lương tối thiểu, từ giảm đầu tư công, tiết kiệm chi…(trong khi nếu tăng theo lộ trình thì cần khoảng 33.000 tỉ).

Có một thực tế mà sau nhiều lần CCTL không có phương án giải quyết, đó là trong khi tiền lương không đủ sống, thì thu nhập ngoài lương lại rất cao (phụ thuộc vào vị trí, chức danh công việc, lĩnh vực quản lý, vùng, miền…). Thu nhập này của khối hành chính không có giới hạn, không minh bạch, cũng không kiểm soát được. Trong đó có thể có phần chính đáng, song chủ yếu là không chính đáng do lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực trong thi hành công vụ. Chính đó cùng với việc duy trì một mức lương cán bộ công chức quá thấp, bị chi phối tuyệt đối bởi khả năng còn hạn hẹp của NSNN đã tạo “đất sống” cho tham nhũng, tiêu cực ngày càng nhức nhối.

Nếu chúng ta tiếp tục cải cách theo hướng để lương riêng, thưởng riêng, phụ cấp riêng, mà phần ngoài lương có thể lớn hơn cả lương cứng, sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Câu chuyện khả năng NSNN cản trở tiến độ CCTL sẽ còn tiếp tục xảy ra, cho dù cùng với lạm phát cao, lương công chức ngày càng tụt xa nhu cầu sống tối thiểu.

CCTL không thể tách rời việc nâng cao chất lượng đội ngũ. Có người nói rằng, với hiệu suất làm việc như hiện nay, có thể giảm không ít lượng cán bộ công chức mà công việc không ảnh hưởng. Nhận định này có thể không hoàn toàn chính xác nhưng việc cho đến nay không có bất cứ một tiêu chí nào để đánh giá hiệu quả, chất lượng làm việc của công chức là điều khó chấp nhận.

Mục tiêu của cải cách hành chính là chuyển sang nền công vụ phục vụ nhân dân. Nhưng tiền lương thấp nên chất lượng công vụ không thể bảo đảm. Phục vụ kém thì kinh tế không phát triển. Kinh tế không phát triển không có tiền tăng lương… Nếu không có tư duy đột phá, chúng ta sẽ mãi trong vòng luẩn quẩn ấy không thoát ra được.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.