Câu đối tào lao
Đệ, một tay nhậu trong bàn, cắc cớ hỏi: “Nhưng cái váy thì liên quan gì đến bộ mặt sầu thảm của ông?”. Đang giận vợ, Lãng “giội bom”: “Mày thì biết gì, váy là trang phục của vợ. Vợ là một… bộ phận “cơ hữu”, không thể tách rời của chồng. Xấu thiếp thì hổ chàng. Không liên quan là sao, mày nói tao nghe. Biết thì thưa thốt…”.
Tuấn “giáo” lật đật vuốt vuốt ngực Lãng, nói bình tĩnh em ơi. Cứ tưởng đang tức mà còn bị chọc quê, thế nào Lãng cũng làm hung Tuấn “giáo”. Nhưng không. Gã còn lạc quan tếu, nói mày vuốt ngực “cảm xúc” lắm, giống y chang vợ vuốt tao. Tuấn “giáo” cười xòa, nói bộ tứ mình lâu quá… gặp hoài, cụng ly cái.
|
Biết Lãng đang bức xúc, Tuấn “giáo” nói anh em sẵn lòng nghe chuyện cái váy… của mày. Kể đi, chiến hữu cả, đừng mắc cỡ.
Câu chuyện cho hay vợ Lãng dù đã cứng tuổi nhưng rất mê váy. Hễ nhận thiệp cưới là nàng quáng quàng chạy ra shop. Khổ nỗi, cứ đi hai đám coi như xong một “đời” váy. Lãng nhắc “tiết kiệm” thì vợ xổ ra một mớ “dây muống”. Nàng nói mặc hoài một cái bạn bè nó “oánh giá”, cho là mình rị mọ. Với lại một đời ta bảy mươi ba đời váy, vài “xị” (vài trăm) một cái váy có là gì mà ông càm ràm. Tui “đi” váy, người ta khen vợ ông Lãng xinh chớ có khen vợ thằng Tây nào đâu. Tui đẹp váy thì ông cũng… đẹp mặt chớ.
Thằng Bân, MC đám cưới, nói hay lắm: Phụ nữ nên làm đẹp trước khi nghe những tàn phai. Nó còn nói không thể tách phụ nữ ra khỏi váy khi váy luôn làm đẹp cho phụ nữ.
Quân cười hì hì, nói: “Hay hè, khúc này có thể chế thành câu đối: váy vợ đẹp/mặt chồng xinh”. Lãng đỏ mặt tía tai, nói: “Mày láo, dốt hay nói chữ, so sánh tào lao, im ngay...”.
Đẹp thì có đẹp, nhưng…
Vứt cái lon không xuống gầm bàn, Lãng tiếp tục nói hành vợ ở nơi công cộng: “Mới hồi sáng đây, vợ lôi cái váy ra rồi đứng tần ngần, nói cái này “qua” hai đám rồi. Tao nói váy còn mới, bỏ thì phí lắm nhưng nàng có chịu nghe đâu. Nàng vù xe đi và mang về cái váy xanh lè viền kim tuyến lóng lánh một cách ác liệt. Rồi nàng a lô. “Hội váy” năm sáu bà ào tới, “đuổi” tao ra khỏi buồng. Mấy bả sột soạt xiêm y, đấm nhau thùi thụi rồi cười rấm rích”.
“Váy xong, các nàng ra ngoài ưỡn ẹo trước gương, hỏi đẹp hông anh, đẹp hông anh? Biết nói sao khi chưn cẳng nàng nào nàng nấy hoặc là ú na ú nần, hoặc là tong teo như hai que tăm. Có nàng hằn rõ năm sáu… đồng tiền - “dấu ấn” bệnh ghẻ thời con nít. Tao đánh liều nói đẹp thì có đẹp nhưng xem lại cặp giò. Vợ tao nói đời mấy ai không tì vết. Chỉ cần kéo đôi bít tất giả da lên quá gối là xong. Vậy là các nàng “thượng” lên mấy chiếc tay ga cho váy bồng bềnh, đi một lèo đến ba bốn tiếng đồng hồ. Thì ra sau tiệc cưới, cả đám còn tăng hai karaoke, lại còn bay mùi bia, nói tía lia mới… dữ dội. Có lần tao làm mặt giận. Vợ nói lâu lâu mới “váy” một lần, về nhanh quá nó phí đi, ông hỉ. Rồi vợ lôi từ cốp xe ra hai cái váy một đỏ một vàng, nói tui mới mua thêm để “phòng” những đám cưới sau. Ông cất giùm, tui đi tắm cái. Tức quá, tao quăng váy vào tủ rồi đi nhậu”, Lãng kể.
Tuấn “giáo” cười ha hả, nói cơ sự này thì váy là một phần… tất yếu của vợ mày rồi. Váy và vợ “vấn vít” vậy, mày chỉ còn cách “vơ” lấy cả hai.
Trần Cao Duyên
>> Váy áo của Marilyn Monroe đạt giá hơn 94 tỉ đồng
>> Bi kịch gia đình
>> Bữa ăn gia đình thời hiện đại
>> Phòng, chống bạo lực gia đình
Bình luận (0)