* Ông đánh giá thế nào về tiềm năng, cơ hội phát triển điện gió ở Việt Nam?
- TS. Hoàng Tiến Dũng: Chúng ta có hơn 3.260 km bờ biển, là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về điện gió. Theo Ngân hàng Thế giới, hơn 39% lãnh thổ Việt Nam có vận tốc gió lớn hơn 6 m/s tại độ cao 65 m, tương đương với công suất 531 GW.
* Để biến tiềm năng về điện gió thành hiện thực, theo ông, cần những yếu tố nào?
- TS. Hoàng Tiến Dũng: Để điện gió phát triển, ngày 21.6.2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 37/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ các dự án điện gió nối lưới thông qua hình thức hỗ trợ giá. Sau đó là hàng loạt văn bản, chính sách ưu đãi khác cho điện gió. Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu 6.200 MW điện gió vào năm 2030, quan trọng nhất là có một hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ làm nền tảng.
|
|
Trước mắt, một số công việc chính cần làm sớm là: Đánh giá đầy đủ tiềm năng gió ở Việt Nam, bao gồm cả tiềm năng gió ngoài biển; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận được vốn vay với lãi suất và thời hạn vay ưu đãi; giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện gió… Bên cạnh đó, cơ chế về giá là một trong những “cú hích” quan trọng, cần thiết nhất.
* Vậy mục tiêu phát triển điện gió theo quy hoạch có thể trở thành hiện được không, thưa ông?
- TS. Hoàng Tiến Dũng: Theo Quy hoạch điện VII thì đến năm 2020 chúng ta sẽ có 1.000 MW và đến 2030 là 6.200 MW công suất nguồn điện gió.
Hiện tại, mới có 2 dự án điện gió hoàn chỉnh và hòa lưới điện quốc gia là dự án Nhà máy điện gió Tuy Phong (công suất 30 MW) và nhà máy điện gió Phú Quý (công suất 6 MW), tỉnh Bình Thuận. Nhà máy điện gió Bạc Liêu công suất 99,2 MW cuối năm nay hòa lưới điện quốc gia. Như vậy, 8 năm còn lại chúng ta phải phát triển trung bình mỗi năm khoảng 120 MW điện gió. Con số này có thể đạt được nếu sớm ban hành quy hoạch và có các cơ chế hỗ trợ hấp dẫn hơn so với hiện nay.
Tuy nhiên, giai đoạn 2021 - 2030, phải phát triển thêm 5.200 MW, trung bình mỗi năm khoảng 520 MW là rất khó nếu không có những đột phá về năng lực đầu tư và công nghệ, làm cho giá thành điện gió có thể cạnh tranh được với thủy điện, nhiệt điện hoặc ít nhất cũng làm giảm mức hỗ trợ giá điện gió để ngân sách nhà nước có thể chịu được mà vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư. Cần nhớ là để mua toàn bộ điện gió của năm 2030, với mức hỗ trợ giá như hiện nay, cần có hơn 3.250 tỉ đồng ngân sách.
Cũng cần phải nói thêm rằng, các vị trí có chế độ gió tốt nhất phần lớn được khai thác ở giai đoạn đầu. Giai đoạn 2021 - 2030, xây dựng điện gió sẽ gặp khó khăn hơn về điều kiện tự nhiên. Vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất cho phát triển điện gió cũng cần sớm đặt ra, tránh sử dụng đất vào các mục đích khác ở những vùng đất có tiềm năng điện gió.
* Xin cảm ơn ông!
THÔNG TIN DỊCH VỤ
Bình luận