Trong căn phòng rộng tại tòa nhà 24T, khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính (Hà Nội), hàng chục bạn trẻ thuộc CLB game giáo dục, đến từ hơn 20 trường đại học (ĐH), cao đẳng, THPT tại Hà Nội đang say sưa thi đấu game.
Cứ thứ bảy hằng tuần, bạn trẻ đến đây thi thố xem tuần qua ai đã lên trình. Trình chính là khối lượng kiến thức đa dạng và các kỹ xảo nhanh, nhạy cần thiết của mỗi thành viên.
Đưa game vào trường học
Tháng 8 - 2011, game giáo dục được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép với tên gọi thách thức bạn trẻ: Chinh phục vũ môn. Truy cập địa chỉ chinhphucvumon.vn bạn trẻ được chinh phục thế giới trí tuệ qua những trò chơi đa dạng, hấp dẫn như đường đua trí tuệ, đấu trường bắn boss, phòng học trực tuyến và khu vui chơi giải trí game mini.
Game giáo dục thu hút bạn trẻ khám phá nhờ những câu hỏi trí tuệ, người chơi phải trả lời đúng mới được thi bài tiếp theo mức độ khó hơn.
Game giáo dục chính thức giới thiệu tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) tháng 4 – 2012 và được đông đảo học sinh, giáo viên ủng hộ. Sau đó, liên tiếp được đưa vào nhiều trường học, thu hút hàng nghìn học sinh tham gia.
|
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, Chủ nhiệm CLB game giáo dục cho biết, có hàng nghìn bạn trẻ tự đăng ký thành viên.
Qua phần kiểm tra nhanh của CLB cho thấy, phần lớn thành viên là học sinh THPT, họ tham gia game với phương châm chơi để học bởi game được thiết kế với nhiều phần kiến thức liên quan các bộ môn học như Toán, Anh, Lý, Văn, Lịch sử…
Thầy Nguyễn Bá Bình, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội nói: “Đã nhiều năm mệt mỏi với quá nhiều thông tin tiêu cực về game đen trên mặt báo, các bậc phụ huynh và nhà sư phạm đều nóng lòng chờ đợi cái gọi là game giáo dục thuần Việt. Chinh phục vũ môn đáp ứng được mong đợi ấy”.
Thoát khỏi u mê
Nguyễn Thị Quỳnh, SV Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thương mại (Hà Nội) cho biết, trước đây cô coi game thuộc thế giới độc hại, những người vùi đầu vào game thật vô bổ. Tuy nhiên, khi được người bạn giới thiệu CLB game giáo dục, Quỳnh bị chinh phục và trở thành thành viên tích cực.
Mỗi ngày Quỳnh dành 2 giờ chơi game. Dần dà, kiến thức cô thu về ngày một dày thêm. Đặc biệt, khi cô có bạn chơi hơn trình để ganh đua, gặp những câu hỏi khó, buộc phải tra cứu để thêm kiến thức.
Không chỉ chơi game, Quỳnh giới thiệu những người bạn cùng xóm trọ, cùng trường tham gia CLB Chinh phục vũ môn. Quỳnh muốn dùng game giáo dục “trị” chứng nghiện game bạo lực cho nhiều bạn trẻ khác.
Phạm Ngọc Nghĩa (SN 1993) bỏ học, trốn nhà chơi game từ năm lớp 6. Nghĩa thường chơi game thâu đêm, đầu đau như búa bổ, không đủ sức đi học... Nghĩa cho biết, tìm được Chinh phục vũ môn như thoát khỏi u mê của game bạo lực.
Trần Trung Dũng, SV ĐH Xây dựng Hà Nội luôn tranh thủ thời gian rảnh để vào các phòng học trực tuyến, có những vấn đề ngại hỏi thầy cô trên giảng đường, vào phòng game trao đổi với giảng viên ở lớp ảo và được giải đáp rất nhanh.
Dũng nói: “Nếu Chinh phục vũ môn ra đời sớm, mình có thể không cần đi luyện “lò” để thi vào đại học”.
Theo Nguyễn Hà / Tiền Phong
Bình luận (0)