Công nghệ chi trả di động

21/10/2012 14:29 GMT+7

Dịch vụ có tiềm năng khổng lồ trong tương lai gần này đang có sự cạnh tranh khốc liệt của các ông lớn ngành công nghệ.

Ngày 19-10, tại hội nghị GMIC, Osama Bedier, phó giám đốc điều hành dịch vụ Google Wallet và chi trả di động, cho biết Google tin rằng NFC (Near Field Communication - công nghệ nối kết tầm gần) là câu trả lời cho ngành thanh toán qua các thiết bị di động trong tương lai.

Cạnh tranh công nghệ

Theo Bedier, dù Google vẫn còn gặp khó khăn để đưa công nghệ này lên các thiết bị smartphone, phần lớn do các nhà mạng cản trở nhưng hãng này tin rằng sự vượt trội của NFC sẽ vượt qua các giải pháp chi trả di động khác. Nhờ có số lượng đông đảo các thiết bị di động vận hành hệ điều hành Android, Google hiện chiếm ưu thế với dịch vụ Google Wallet, cho phép người dùng chỉ cần đến gần vị trí các chip NFC là có thể thanh toán từ thẻ tín dụng hay tài khoản ngân hàng. Google đang phải chịu sự cạnh tranh từ nhiều đối thủ. “Chiến trường” của ngành thanh toán di động hứa hẹn có cuộc cạnh tranh khốc liệt trong tương lai.

Các dịch vụ thanh toán di động chỉ mới chớm nở trong vài năm gần đây. Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia đầu tiên phổ biến công nghệ thanh toán qua các thiết bị di động, vì người dân từ lâu đã được tiếp xúc với smartphone, bây giờ là iPhone, thậm chí còn nhiều hơn cả máy tính.

 Công nghệ chi trả di động
Một thiết bị giao dịch NFC tại Norway - Ảnh: Internet

Song, tại Nhật và Hàn Quốc, người ta cũng chỉ mới sử dụng camera để đọc mã vạch, QR code để chi trả. Công nghệ này từng được Microsoft rất ủng hộ, thậm chí còn tạo ra mã riêng của mình. Apple với dịch vụ Passbook cũng sử dụng QR code, tận dụng camera để đọc các thông tin được mã hóa, in trên giấy, hiển thị trên màn hình máy tính hay các bảng quảng cáo.

Trong khi đó, các ngân hàng đã và đang sử dụng chip RFID (công nghệ định vị bằng sóng radio) cấy vào các thẻ tín dụng. Tuy nhiên, việc chế tạo một thiết bị đọc RFID quá dễ dàng đã biến công nghệ này thành một mối nguy bảo mật hơn là tiện lợi. Giải pháp khác là sử dụng một máy đọc thẻ tín dụng gắn ngoài, đơn cử là Square và Paypal. Giải pháp này cho phép bất kỳ một chủ kinh doanh nào chỉ sử dụng máy điện thoại smartphone của mình như một máy đọc thẻ tín dụng, giảm chi phí lắp đặt và rất tiện lợi nhưng vẫn chưa hoàn hảo.

 

Đầy tiềm năng

Theo nghiên cứu của Juniper Research, lợi nhuận từ các sản phẩm vật chất (qua công nghệ NFC) và sản phẩm số, thanh toán thông qua các thiết bị di động đạt 240 tỉ USD  trong năm 2011 và có thể  đạt ngưỡng 670 tỉ USD vào năm 2015. Theo eMarketer, sẽ có đến 48,1 triệu người dùng tại Mỹ sở hữu một thiết bị di động sử dụng công nghệ NFC vào năm 2016. Hiện nay, các hãng sản xuất thiết bị di động và smartphone cũng liên tục tung ra nhiều sản phẩm bao gồm công nghệ NFC (nền Android) hay các công nghệ tương tự (như đọc mã vạch/ QR code).

Google và nhiều công ty  khác đang  phát triển công nghệ NFC. Công nghệ này đưa ra nhiều giải pháp cho các vấn đề mà QR code, RFID và các đối thủ khác đang bị vướng phải. Với NFC, một con chip phát sóng có thể lưu trữ và phân phối dữ liệu đến với các thiết bị di động khác một cách dễ dàng. Chip phát sóng NFC có thể được lập trình và thay đổi nội dung dễ dàng và có thể gắn vào bất kỳ nơi đâu, từ bảng quảng cáo, nơi bán hàng hay đơn giản như tạp chí.

Lợi thế bảo mật

Một điều quan trọng là tính bảo mật của công nghệ NFC, nhờ nó hoạt động chủ yếu trên thiết bị di động, nơi một chip khác nhận sóng dữ liệu và xử lý chỉ với sự cho phép của người dùng. Điều này cho phép người dùng lưu trữ tài khoản ngân hàng của mình trên điện thọai, sau đó nhận yêu cầu thanh toán từ một chip phát NFC, kết nối với dịch vụ Google Wallet và chi trả ngay lập tức. Thông tin bảo mật không hề được phát ra ngoài hay thông qua bên thứ ba.

NFC có thể biến sự hiện diện của một thẻ tín dụng vật chất thành vô nghĩa, khi mà điện thoại smartphone trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, NFC còn quá mới mẻ, giá thành sản xuất các chip phát sóng còn cao, sự đòi hỏi phải liên tục kết nối với mạng internet không thực tế lắm. Việc sử dụng điện thoại smartphone thay cho ví tiền chưa hẳn đã được chào đón, mặc cho rất nhiều hãng dịch vụ mua sắm đã bắt đầu sử dụng NFC. Tiền mặt và thẻ vẫn được ưa chuộng nhờ tính đơn giản và thân thuộc của chúng.

Dịch vụ của tương lai

Các dịch vụ giải trí số và nhận thanh toán thông qua những tiện ích di động đã dẫn đến những thành công to lớn trên Appstore của iOS và Google Store của Android, chưa kể các con số mua hàng trực tuyến cao đến chóng mặt thông qua Amazon, eBay và các dịch vụ tương tự. Người dùng càng tin tưởng và phụ thuộc vào thiết bị di động của mình hơn.

Tuy vậy, sự cạnh tranh về công nghệ sẽ có thể dẫn đến một thị trường phân mảnh, với các “tay chơi” mỗi người sử dụng một công nghệ, dịch vụ khác nhau. Apple vẫn còn là một ẩn số, khi tung ra iPhone 5 không hề có NFCi. Rất có thể, hãng công nghệ khét tiếng với tính bảo thủ và độc đoán này sẽ tung ra một công nghệ của riêng mình để thao túng thị trường dịch vụ thanh toán di động.

Chắc chắn trong tương lai gần, dịch vụ chi trả thông qua thiết bị di động sẽ có vai trò lớn trong đời sống chứ không phải qua tin nhắn SMS lạc hậu như hiện nay.

Theo Dã Long / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.