Học lịch sử ở bảo tàng

26/10/2012 03:15 GMT+7

Trải nghiệm là cách để cả bảo tàng và bài học lịch sử không còn khô cứng. CLB Chúng em yêu lịch sử của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã hút học trò như thế.

Trong tiếng ghi ta bập bùng, cậu học trò 9X Duy Hải (PTTH Thăng Long, Hà Nội) cất tiếng hát. Bài hát kể về những câu chuyện từng trải qua mà cha mẹ kể cho một cậu bé. “Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc - Nam. Chẳng biết chiến tranh là gì, chỉ được nghe trong những câu chuyện của cha. Tôi lớn lên khi tháng tháng không còn lo phiếu tem. Không biết bobo là gì, chỉ còn lại trong những ký ức của mẹ”, bài hát nói thế về nhiều người trẻ trong đó có Hải. Họ đã nghe, rồi đã hiểu về một thời gian khó của cha, một thời đảm đang của mẹ. Điều đó có thể là gì ngoài lịch sử.

 Tìm hiểu bảo tàng theo chuyên đề, qua trò chơi làm học sinh dễ tiếp thu lịch sử hơn
Tìm hiểu bảo tàng theo chuyên đề, qua trò chơi làm học sinh dễ tiếp thu lịch sử hơn
- Ảnh: Phan Hậu

Học lịch sử dưới dạng những mẩu chuyện kết hợp với trò chơi, tiếp xúc trực tiếp với hiện vật là cách Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã làm 2 năm nay khi tổ chức CLB Chúng em yêu lịch sử. Chẳng hạn, với chủ đề đồ gốm, các em sẽ được chơi trò đoán ý đồng đội. Một thành viên sẽ gợi ý cho thành viên khác của đội mình về món đồ gốm, nhưng không được chạm vào từ khóa của món đồ. Sau đó, người kia sẽ phải đoán xem đó là gốm hoa lam hay hoa nâu. Đội nào đoán đúng, đoán nhanh hơn sẽ thắng. Hay trong chủ đề biển đảo Việt Nam, ngoài câu hỏi kiến thức, các em được chơi trò thể chất vận chuyển nước ra đảo. Đội nào có thể chuyển được nhiều nước ngọt ra đảo cho những người lính hải quân hơn trong 5 phút sẽ chiến thắng. “60 buổi sinh hoạt là 60 chủ đề tìm hiểu khác nhau. Đây cũng là một đề tài cấp bộ mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang thực hiện”, thạc sĩ Nguyễn Kim Thành, cán bộ Phòng Giáo dục của bảo tàng, nói.

Theo thống kê, từ năm 2007 tới nay, bảo tàng đã tổ chức 60 buổi ngoại khóa cho các khối từ tiểu học đến THCS và THPT. Riêng với khối THPT có 28 buổi, với sự tham gia của không chỉ Hà Nội mà còn cả TP.HCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương…

CLB Chúng em yêu lịch sử này phản ảnh xu thế hiện đại - trong thiết chế bảo tàng phải có phần dành cho khách nhỏ tuổi. Bằng các phương thức phù hợp lứa tuổi, tâm sinh lý, công nghệ để các bạn có thể tiếp nhận sâu sắc những gì bảo tàng có thể mang lại. “Cách tiếp cận của CLB này chủ động hơn nhiều so với cách tiếp cận khách cũ của bảo tàng. Những buổi sinh hoạt tại Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng… là thử nghiệm không chỉ mang lại kết quả cho Bảo tàng Lịch sử mà còn có thể phát huy trên cả nước. Nó có giá trị như sự gợi ý, nhân rộng”, nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử, nói.

“Trong bối cảnh hiện nay, mô hình CLB Chúng em yêu lịch sử này góp phần trả lời băn khoăn rằng liệu thế hệ trẻ có quan tâm đến lịch sử dân tộc. Chúng tôi cho rằng các em có thể có vấn đề với môn sử trong nhà trường. Ở đó chúng ta cần sớm đưa ra thay đổi, trong đó cần thêm sự thu hút. Quan trọng hơn là cần tạo ra không gian, sân chơi thích hợp, qua ngôn ngữ nghệ thuật, trình diễn - nơi các em là chủ thể chứ không phải chỉ làm khách”, ông Quốc phân tích.

Trinh Nguyễn

>> Dạy và học lịch sử bằng phương tiện nghe nhìn
>> Đề nghị giải quyết việc học sinh không thích học lịch sử
>> Bài học lịch sử
>> Học lịch sử qua biển tên đường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.