|
Các chuyên gia gồm: ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN (NLNT); ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ KHCN) và ông Phan Minh Tuấn, Phó Trưởng ban Quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.
* Sau sự cố điện hạt nhân Fukushima, xu hướng phát triển điện hạt nhân trên thế giới có nhiều thay đổi. Việc phát triển điện hạt nhân của VN có nằm trong xu thế này không, thưa ông?
- Ông Trần Chí Thành: Về mặt pháp quy, các tiêu chuẩn an toàn sẽ được thắt chặt hơn sau Fukushima. Về mặt công nghệ, các thiết kế mới nhất đều đưa vào các yếu tố mới, đảm bảo an toàn ngay cả khi sự cố xảy ra. Viện NLNT cũng đang quan tâm và nghiên cứu kỹ các vấn đề này, tìm hiểu công nghệ các nước đưa vào để biết đâu là công nghệ an toàn nhất phù hợp với VN.
* Ông nghĩ sao về nhiều lo ngại cho rằng nguồn nhân lực điện hạt nhân hiện nay khó đáp ứng được nhu cầu?
- Ông Trần Chí Thành: Nhân lực điện hạt nhân gồm nhân lực quản lý vận hành nhà máy, nhân lực nghiên cứu triển khai… Nhân lực là một trong những vấn đề cấp bách và quan trọng nhất, đang được Viện NLNT tích cực triển khai. Tuy nhiên, không thể làm được trong ngày một ngày hai, mà phải đưa ra chương trình, chiến lược để phát triển tốt nguồn nhân lực. Một trong những điểm chính là tận dụng nguồn chuyên gia sẵn có đào tạo thế hệ trẻ và gửi nhân lực đi đào tạo cấp cao ở các nước.
- Ông Phan Minh Tuấn: Điện hạt nhân là xu hướng phát triển mới của đất nước và là viễn cảnh trong tương lai. Các Bộ ngành đang xúc tiến trình đề án lên Chính phủ có cơ chế đặc thù đối với nhân lực làm trong lĩnh vực đặc biệt như điện hạt nhân. Về phía EVN cũng hỗ trợ rất nhiều các em sinh viên, nhất là các em trong chương trình du học tại Liên bang Nga, hỗ trợ học phí hằng tháng với những em cam kết sau khi ra trường sẽ làm việc tại nhà máy điện hạt nhân.
* Ông có thể cho biết tiến độ dự án Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2 cũng như hiệu quả kinh tế đặt ra cho 2 dự án này?
- Ông Phan Minh Tuấn: Dự án đang được triển khai các bước khảo sát địa điểm (tư vấn Nga, Nhật Bản đảm nhiệm) và lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo dự kiến, năm 2013, báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2 được hoàn thành và trình Chính phủ. Trong báo cáo này mới có đánh giá về tính kinh tế của dự án, các yếu tố như giá điện, thông số các khoản vay… để dự án hoàn vốn và đạt hiệu quả.
- Ông Trần Chí Thành: Trong báo cáo tiền khả thi của dự án trình Chính phủ năm 2009 cũng đã có đề cập đến yếu tố kinh tế. Theo đó, giá thành của điện hạt nhân rẻ hơn nhiệt điện than nhập khẩu, cũng như nhiệt điện than miền Nam phải dùng than từ miền Bắc.
* Cơ chế giám sát quản lý nhà máy điện hạt nhân sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Ông Vương Hữu Tấn: Về cơ chế giám sát, có 2 yếu tố: chủ đầu tư phải đủ năng lực để quản lý, đảm bảo an toàn cho nhà máy. Ngoài ra, cơ quan quản lý hay còn gọi là cơ quan pháp quy phải thực hiện tốt chức năng giám sát. Nhưng luật VN hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng, hiệu quả với cơ quan pháp quy có chức năng thanh, kiểm tra tính an toàn của nhà máy.
Cấp phép hiện nay đang chia quá nhiều đầu mối, như cấp phép xây dựng là Bộ KH-CN, cấp phép vận hành là Bộ Công thương. Trong khi Bộ Công thương lại là cơ quan chủ quản, vi phạm nguyên tắc độc lập trong vấn đề quản lý an toàn quốc tế. Nhật Bản cũng đã bị phê phán rất nhiều vì tình trạng này và đã thay đổi, đưa cơ quan giám sát về an toàn về trực thuộc Bộ Môi trường. Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi luật Năng lượng nguyên tử, chúng ta cũng đang nghiên cứu một mô hình quản lý giám sát về điện hạt nhân, đảm bảo các quyết định không bị chi phối bởi bất kỳ điều gì, nếu nhà máy không đảm bảo an toàn sẽ không được vận hành. (Vũ Vân ghi)
THÔNG TIN DỊCH VỤ
Bình luận (0)