463 lượng vàng nhái SJC
Từ tháng 9 đến nay, công ty đã phát hiện 463 lượng vàng nhái, giả vàng miếng SJC, chủ yếu do người dân mang đến; trong đó Hà Nội 377 lượng, TP.HCM 86 lượng |
||
Ông Đỗ Công Chính - Tổng giám đốc SJC |
||
Ngày 25.10, tại buổi công bố thay đổi bao bì các loại vàng miếng SJC, ông Đỗ Công Chính, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), cho biết từ tháng 9 đến nay, công ty đã phát hiện 463 lượng vàng nhái, giả vàng miếng SJC, chủ yếu do người dân mang đến; trong đó Hà Nội 377 lượng, TP.HCM 86 lượng.
Sau khi phát hiện, công ty thỏa thuận với khách hàng thực hiện đánh dấu, cắt miếng vàng. Trong trường hợp người dân không chấp nhận việc hủy miếng vàng này, công ty lập biên bản giữ lại và báo công an. Hiện số lượng khách hàng đến Công ty SJC ép bao bì tăng lên đột biến, khoảng 15.000 lượng/ngày, cao gấp 3 lần so với trước đây do sợ mua phải vàng nhái nên đến ép bao bì để kiểm định vàng luôn. Chi phí ép bao bì vàng miếng SJC tại TP.HCM là 5.000 đồng/lượng, còn tại Hà Nội là 30.000 đồng/lượng vì mất thêm chi phí kiểm định do phải cử người mỗi tuần ra Hà Nội để thực hiện công tác này.
Để chống hàng giả, hàng nhái SJC, công ty thay đổi bao bì mới Hologram loại 5 chỉ, 2 chỉ, 1 chỉ và 5 phân (trước đây đã thay đổi cho loại vàng miếng 1 lượng). Ông Đỗ Công Chính cho rằng: “Việc ép bao bì mới chỉ tập trung tại Hà Nội, TP.HCM. Bên cạnh việc ép bao bì, công ty còn thực hiện kiểm định lại vàng, đối chiếu cả số khung... Nên khách hàng tại các tỉnh thành khác nếu có nhu cầu thay đổi bao bì, kiểm tra lại vàng có thể liên hệ với chi nhánh của công ty cho số sê ri, khoảng 1 tuần sau nhân viên của chi nhánh sẽ thông báo kết quả kiểm định”.
Tội đồ là độc quyền
Từ giữa tháng 9, NHNN cho phép Công ty SJC được dập lại vàng miếng SJC móp méo, vàng miếng các thương hiệu khác sang SJC với khối lượng hơn 350.000 lượng. Trong khi đó, việc kiểm định lại đang bị nghẽn nên lượng vàng đưa ra thị trường không thấm gì so với nhu cầu. “Từ ngày 23.8, NHNN đã xuống niêm phong máy móc thiết bị sản xuất vàng miếng SJC. Công ty chỉ được mở máy làm khi có lệnh của NHNN. Với 6 máy kiểm định, mỗi ngày làm 2 ca 18 tiếng cũng chỉ kiểm định được khoảng 1.600 lượng vàng. Trong số vàng đem dập lại, đạt tiêu chuẩn SJC chỉ chiếm tỷ lệ 90%; vàng từ một số đơn vị chỉ 55% đạt tiêu chuẩn SJC (hàm lượng vàng không đủ 4 số 9 - PV) nên việc kiểm định càng thêm chậm”, ông Chính cho biết.
|
Với việc giá vàng miếng SJC luôn cao hơn thế giới từ 2- 3 triệu đồng/lượng, chỉ cần làm nhái vàng SJC với chất lượng, khối lượng như nhau, bọn tội phạm đã đủ lời. Việc này càng gia tăng khi phân biệt vàng nhái và vàng SJC thật rất khó. Một chuyên viên về vàng lâu năm đưa ra nhận xét, ngay cả người làm nghề vàng có kinh nghiệm nhiều năm cũng khó có thể phát hiện bằng mắt thường nếu như không đối chiếu với khuôn mẫu đúc của miếng vàng đó. Đó là lý do thời gian qua, ngay cả một số NH nhận và trả lại vàng cho khách hàng là vàng nhái SJC mà không biết.
Như vậy, có thể thấy nguyên nhân gia tăng tình trạng nhái, giả vàng SJC là do sự độc quyền vàng miếng SJC. Sự độc quyền này dẫn đến mức chênh lệch giữa giá vàng SJC và vàng phi SJC; vàng SJC và vàng thế giới ngày càng cao, tạo kẽ hở cho bọn tội phạm trục lợi. Cũng vì độc quyền nên việc sản xuất, cung cấp, kiểm định vàng miếng không theo kịp nhu cầu, đẩy chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng cao.
Dân thiệt hại đủ đường Trường hợp người dân mua phải vàng nhái SJC, sau khi công ty kiểm định và đánh dấu, cắt miếng, vàng này chỉ có thể đem bán dưới dạng vàng nguyên liệu với giá thấp hơn vàng SJC thật khoảng 3 triệu đồng/lượng. Trong trường hợp người dân không chấp nhận việc hủy miếng vàng này, công ty lập biên bản giữ lại và báo công an, theo một cán bộ công an TP.HCM, người dân có thể bị xử phạt từ 4-500 triệu đồng và tịch thu tang vật, theo quy định tại Nghị định 97/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Nói cách khác, người dân không chỉ mất trắng mà còn lãnh thêm nợ! Về số lượng vàng SJC cong vênh, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối NHNN cho biết, người dân chỉ cần mang lên SJC đổi lại và chỉ phải trả mức phí dập lại nếu vàng đó là vàng SJC. Đối với các loại vàng miếng khác, nhà nước vẫn lưu thông, không bắt ép phải đổi. “Ai muốn giữ vàng đó ở nhà cũng được, nhưng nếu muốn đổi sang SJC, NHNN sẽ phân kim, thẩm định, đúc và đóng lại đủ chất lượng rồi đóng niêm phong. Nhưng tất cả những chi phí đó người dân phải chịu”, ông Huy nói. Lý do người dân phải chịu phí, theo ông Huy, trước kia không có “ai” quản lý thị trường vàng. Riêng SJC một ngày dập 1,5 tấn, nếu tính cả 8 đơn vị khác vào khoảng 8-10 tấn vàng/ngày. “Năng lực sản xuất vàng miếng là khủng khiếp. Vàng dập, vàng lậu đưa vào, vàng thấp cấp... không ai kiểm định, người dân cứ mua vàng không quan tâm chất lượng. Bây giờ NHNN phải đưa vào quản lý, bảo vệ lợi ích người dân”, ông Huy giải thích. T.X - A.V |
Thanh Xuân
Bình luận (0)