Tiểu thuyết dày 424 trang, tác phẩm đầu tay của nhà văn trẻ Andrea Hirata (bản dịch của Dạ Thảo, NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa - Truyền thông Nhã Nam ấn hành) đang có ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay ở Indonesia, và điều quan trọng là nó diễn đạt đúng hệt những gì xảy ra ở Việt Nam: khát khao muốn được học ở những em bé nhà nghèo.
Đi thẳng vào trái tim người đọc ngay trang đầu tiên, là buổi khai giảng đầy phấp phỏng của trường tiểu học nghèo tột bậc, sắp sập, sẵn sàng bị xóa sổ nếu không có đủ mười học sinh. Thế nhưng học sinh thứ mười, một cậu bé thiểu năng đã xuất hiện, để ngôi trường được tiếp tục mục tiêu giáo dục, là lý tưởng sống của hai con người vô cùng quý giá. Thầy Hiệu trưởng Harfan, với lối sống của một thánh nhân, đã dạy học hơn nửa thế kỷ mà không hề được nhận lương, vẫn làm vườn để lấy tiền mua sách cho học sinh. Bởi với thầy “Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là ánh sáng văn minh”.
Cô giáo Mus mười lăm tuổi, mới tốt nghiệp trường dạy nghề, đã làm thợ may để nuôi ước vọng được dạy học. Với cô, “chỉ mất một học trò là coi như mất nửa linh hồn”. Cùng với mười học sinh, họ đã chiến thắng viên thanh tra giáo dục chỉ nhăm nhăm tìm cớ để đóng cửa trường vì sự quá thiếu chuẩn của nó, cho dù lũ người có trách nhiệm chưa bao giờ thèm để mắt đến nó.
Học sinh của ngôi trường chỉ có cách duy nhất để chiến đấu với những kẻ muốn dẹp bỏ trường, là phải chứng minh sự giỏi giang của mình trong cuộc thi với ngôi trường danh giá dành cho con cái những gia đình giàu có đang khai thác quặng thiếc ở địa phương.
Ai có thể tin rằng con cái những cu li, ngư dân, thợ xảm thuyền, nông dân… cùng khổ và mù chữ, ngồi trong lớp học dột nát phải một tay che dù một tay viết bài, còn cô giáo phải che đầu bằng tàu lá chuối, lại có thể đánh bại ngôi trường vốn là hình mẫu của ngành giáo dục. Vậy mà các em đã giật được hai chiếc cúp danh giá mang về đặt vào cái tủ cũ rích đã bao năm trống rỗng của trường.
Ấy là nhờ thần đồng trí tuệ siêu đẳng Lintang. Lintang, con trai một gia đình ngư dân bốn đời mù chữ, mỗi ngày thức dậy từ hửng sáng, đạp xe bốn mươi cây số, đương đầu với lũ cá sấu đói trên con sông dọc đường để có mặt ở trường.
Lintang thông minh đủ cho các bạn học khác, là thần tượng, là chất xúc tác cho các bạn và cả thầy cô. Trong cuộc thi, Lintang đã thắng cả thầy Zulfika, một loại “trí thức dỏm, nhà khoa học dỏm ngạo mạn khống chế những cộng đồng người không được học hành hòng tự tâng bốc bản thân và làm đầy túi mình,… chẳng làm nên trò trống gì cho xã hội ngoài những con điểm và đồ án tốt nghiệp”. Còn cô Mus đã thừa dũng cảm để đối đầu trực diện với vua thiếc, người đang muốn tận thu mỏ thiếc nằm bên dưới ngôi trường, và cô đã thắng.
Thế nhưng tất cả những điều đó vẫn chẳng thể đưa đến một hồi kết đẹp cho cả thầy lẫn trò, khi thấy Hiệu trưởng Harfan chết gục trên bàn vì bệnh lao, và Lintang thần đồng phải bỏ học khi cha cậu qua đời.
Điều an ủi lớn cho người đọc là học sinh giỏi thứ nhì của lớp, kẻ mang mối tình si trong trắng với cô bé con chủ tiệm tạp hóa, là người duy nhất đã được học hành đàng hoàng, kể cả du học, và đã thực hiện được lời thề lúc bé: ghi lại chân dung thầy bạn của mình.
Nhiều suy tưởng nảy ra cho người đọc sau những chữ cuối cùng của cuốn sách. Cái ác không thể chiến thắng. Những người bị khinh rẻ, bóc lột, chà đạp đã không hề vương chút hận thù với những kẻ mang đến sự bất hạnh cho mình. Họ không để kẻ ác dây cái ác sang cho mình, đúng với nguyên tắc sống mà họ nhập tâm từ thời thơ ấu: “Nên làm điều thiện, hãy tránh điều ác”. Hướng thượng, khát khao điều cao cả, họ là câu đáp trả hay nhất, như lời tác giả: “Những thứ đã không thể làm bạn chùn bước thì nhất định làm bạn mạnh mẽ hơn”.
Ngô Thị Kim Cúc
>> Joël Dicker: phát hiện mới của văn học Pháp ngữ
>> Ra mắt tủ sách Văn học Việt Nam đương đại tại Pháp
>> Nhà văn Mạc Ngôn đoạt giải Nobel Văn học 2012
>> Giải Nobel Văn học 2012 sẽ có chủ vào ngày 11.10
>> Lễ tôn vinh 100 năm tuổi nhà văn Học Phi
>> Khởi động "Văn học tuổi 20" lần 5
Bình luận (0)