|
Nữ nhà văn chuyên viết truyện thiếu nhi Lại Thanh Hà đã đoạt 2 giải danh giá cho tiểu thuyết thơ đầu tay Inside Out & Back Again (Tạm dịch: Đi rồi cũng lại về, NXB HarperCollins): giải Newbery Honor Book 2012 và giải National Book Award 2011 của văn học Mỹ cho hạng mục Young People Literature (Văn học trẻ).
Sinh năm 1965 tại Việt Nam, là con út trong một gia đình có 9 người con. Năm 1975, Thanh Hà cùng mẹ và các anh chị lưu lạc tới vùng Montgomery, bang Alabama, Mỹ. Lúc đó cô không hề biết một chữ tiếng Anh, và cuốn tiểu thuyết trên được viết theo dạng thơ kể về những năm đầu tiên sống ở Mỹ của một cô bé 10 tuổi không biết nói tiếng Anh, lấy từ những ký ức thơ ấu của chính tác giả.
|
Trong một cuộc phỏng vấn, khi được yêu cầu miêu tả cuốn sách chỉ trong một câu, Thanh Hà đã trả lời: “Với cô bé Hà 10 tuổi, cuộc sống ở Việt Nam trong suốt quãng thời gian chiến tranh là sự hỗn loạn nhưng vui vẻ; sự kinh hoàng chỉ xảy ra khi cô và gia đình định cư ở Alabama”. Dĩ nhiên, cuốn sách chứa đựng nhiều điều hơn thế. Nó là một cuốn tiểu thuyết được kể bằng thơ, 121 bài thơ tinh tế miêu tả những năm tháng cuộc đời của cô bằng cách miêu tả từ cái tết này đến cái tết kia.
Từ cuộc sống khi còn là một cô bé 10 tuổi sống ở Sài Gòn khi chiến tranh ở Việt Nam đang dần kết thúc, “Chúng tôi giả vờ/gió mùa đã đến sớm./Ở phía xa/tiếng bom/nổ như tiếng sấm, rạch ngang/chiếu sáng cả bầu trời,/tiếng súng đại bác/rơi như tiếng mưa”. Khi gia đình cô đến Mỹ: “Sáng, trưa, và tối/mỗi người chúng tôi có/một nhúm gạo,/cỡ nhỏ, cỡ vừa, cỡ lớn,/chiếu theo chiều cao của chúng tôi,/cộng thêm một ly nước/không tính theo kích thước chiều cao của chúng tôi./Miếng cắn đầu tiên,/của miếng cơm mới được nấu,/beo béo và ngon,/khiến tôi hình dung/vị của miếng đu đủ chín/mặc dầu chúng chẳng liên quan gì đến nhau”.
Trong lần định cư cuối cùng của gia đình ở Alabama và các khó khăn khi thích nghi với đời sống mới, học ngôn ngữ mới và đối mặt với thành kiến về chủng tộc và tôn giáo, “Sẽ không ai tin tôi/nhưng đôi khi/tôi sẽ chọn/thời chiến ở Sài Gòn/hơn là/thời bình ở Alabama”…
Và, như cô nói: “Tôi đã viết theo kiểu tôi nghĩ nó bằng tiếng Việt, một ngôn ngữ đầy hình ảnh, rồi dịch nó ra thành điệu và nhịp điệu của tiếng Việt”.
Cuốn sách được đánh giá là vô cùng đặc biệt, vì Thanh Hà đã khéo léo làm mờ đi cách biệt giữa hồi ức và hư cấu.
Theo Common Sense Media: Cuốn sách được viết bằng các bài thơ ngắn, dễ đọc, tốc độ nhanh, mô tả, và sâu sắc. Dù không mang tính thuyết giáo hoặc hướng dẫn, song chúng mang lại nhiều thông tin về cuộc sống ở Việt Nam. Độc giả cũng sẽ hiểu được cuộc sống một người nhập cư như Hà. Cuốn sách tràn đầy vẻ đẹp và hy vọng cho dù bối cảnh là chiến tranh Việt Nam.
Tiểu thuyết hóa đời mình
|
Đọc cuốn sách, nhiều người bị ấn tượng bởi tầm quan trọng của ngôn ngữ đối với Thanh Hà. Cô đã đánh mất tiếng Việt khi đến Mỹ và phải cố gắng học tiếng Anh để có lại cảm giác của bản thân. “Ccccô Sscott/ chỉ vào những con số/dọc theo bức tường./Tôi đếm đến hai mươi. Cả lớp vỗ tay. Tôi tò mò,/không thể giải thích được/tôi đã được học/về phân số/và cách để làm sạch/nước sông. Vậy đây là/cảm giác mà một tên ngốc/cảm thấy sao. Tôi ghét, ghét, ghét nó”.
Chia sẻ về quãng thời gian khó khăn này, cô nói: “Một khi bạn mất đi ngôn ngữ, về cơ bản bạn là một kẻ thua cuộc. Tôi rất hay nói khi ở Việt Nam. Tôi cảm thấy cân bằng - chiến tranh ở xa, nhưng mọi người chỉ nghe thấy tiếng bom. Một đứa trẻ có thể sống sót chừng nào nó không bị lạc lõng một mình. Chỉ có ở Alabama, tôi bị gây chú ý - và đó là lý do khiến tôi luôn kinh sợ. Ngoài ra, tôi đã bị mất đi ngôn ngữ của mình. Tôi đã mất đi cá tính của mình. Tôi có một người mẹ và tám anh chị em, thế nhưng tôi vẫn cô độc. Tất cả chúng tôi phải cố gắng hết sức và chạy trốn, không thể hét lên để đáp lại những kẻ bắt nạt. Điểm chung tuyệt vời về trẻ em và con người nói chung là cách họ có thể thích nghi. Bạn làm khi chẳng còn lựa chọn nào khác. Bạn chỉ việc làm nó. Tin rằng chúng tôi sẽ được bù đắp. Bạn không chết, bạn làm được điều đó. Tôi đã cố kết bạn. Tôi đã cố học tiếng Anh. Tôi có được các điểm A khi ở trường. Tôi đã làm được điều đó…”.
Thanh Hà cũng đưa nhiều hình ảnh cây đu đủ vào tác phẩm, từ cây đu đủ trong vườn sau nhà cô ở Sài Gòn đến món quà là món đu đủ khô cô nhận được ở gần cuối cuốn sách. Ý tưởng này chợt đến khi cô đang đọc tờ New Yorker thì bắt gặp hình ảnh một cây đu đủ trong một mục quảng cáo và nhận ra nó chính là tuổi thơ của mình.
Thanh Hà cũng tiết lộ, sau Inside Out & Back Again, cô bắt tay sáng tác cuốn tiểu thuyết thứ hai kể về một bé gái 12 tuổi người Mỹ gốc Việt giàu có, rất được cưng chiều, và bị buộc về Việt Nam nghỉ hè.
Ngọc Bi
(Theo publishingperspectives.com)
Bình luận (0)