Nhiều phát hiện mới tại di tích thành Hoàng Đế

27/10/2012 04:05 GMT+7

Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định vừa tổ chức khai quật khảo cổ học thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu, H.An Nhơn, Bình Định).

Đây là lần thứ 5 các nhà khảo cổ tiến hành khai quật di tích thành Hoàng Đế. Các lần khai quật trước diễn ra vào các năm 2004, 2005, 2006 và 2007 đã xác định một số kiến trúc cung đình của kinh đô Hoàng Đế nhà Tây Sơn: nền móng cung điện lầu bát giác, các thủy hồ, đàn Nam Giao… Kết quả khai quật đã cung cấp những thông tin cần thiết cho công tác trùng tu, phục hồi thành Hoàng Đế trong thời gian qua. Nhưng để tiếp tục trùng tu thành Hoàng Đế, cần có thêm những chứng cứ khoa học thuyết phục của khảo cổ học về các công trình kiến trúc cung đình.

Ông Nguyễn Thanh Quang, cán bộ Sở VH-TT-DL Bình Định, cho biết: “Trước đây, các nhà khảo cổ đã xác định thành Hoàng Đế có cấu trúc 3 vòng gồm: thành ngoại, thành nội và Tử cấm thành. Nhưng một số kết quả khai quật gần đây cho thấy không gian của thành Hoàng Đế chỉ có 2 vòng là thành ngoại và thành nội. Còn Tử cấm thành là một phần của thành nội, gồm nhiều khối công trình kiến trúc theo không gian hình vuông độc lập với nhau chứ không như Tử cấm thành ở các công trình kiến trúc cung đình khác”.


Hố khai quật phát hiện ra dấu vết, nền móng các công trình kiến trúc trong thành nội của thành Hoàng Đế - Ảnh: Hoàng Trọng
 

Lần này, trong khoảng thời gian 60 ngày (từ ngày 3.10.2012 - 3.12.2012), Đoàn khai quật sẽ tiến hành khai quật 900 m2 trong khuôn viên thành nội của thành Hoàng Đế. Đoàn đã tiến hành khai quật tại 3 hố, trong đó, 1 hố nhằm khảo sát thủy hồ trong tử thành của nhà Tây Sơn, 2 hố còn lại là để khảo sát nền móng tử thành của nhà Tây Sơn.

TS Lê Đình Phụng, Trưởng phòng Khảo cổ lịch sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam, người phụ trách khai quật, cho biết: “Tử cấm thành của nhà Tây Sơn được xác định là kiểu kiến trúc cung đình nên việc xây dựng phải tuân theo quy luật cân đối. Vì vậy, khi phát hiện ra thủy hồ ở phía tây thành, còn gọi là hồ bán nguyệt, nơi dành cho các phi tần, cung nữ tắm, thì nhất định phải có thủy hồ ở phía đông. Lần này, chúng tôi đã tiến hành khai quật và phát hiện ra thủy hồ ở phía đông có kiến trúc, diện tích y hệt như thủy hồ đã phát hiện trước đó”.

Hai hố còn lại cũng phát hiện ra nền móng, công trình kiến trúc của thành nội thành Hoàng Đế như: Hoàng cung, nơi làm việc của các lãnh đạo nhà Tây Sơn và phần phía sau hoàng cung là nơi sinh hoạt, ăn ở của tư gia Hoàng đế Nguyễn Nhạc. TS Lê Đình Phụng cho biết: “Công tác khai quật nhằm xác định dấu vết, quy mô, các công trình kiến trúc thành nội của thành Hoàng Đế để khôi phục, trùng tu dựa trên những cứ liệu vững chắc, đủ để thuyết phục các nhà khảo cổ học”.

Kinh thành của 2 vương triều

Theo xác định của các nhà khảo cổ, tại vị trí thành Hoàng Đế ngày nay từng là kinh thành của 2 vương triều cách nhau hơn 300 năm với hai tên gọi: Đồ Bàn (Champa), Hoàng Đế (Tây Sơn). Nhưng kinh đô Đồ Bàn - Vijaya tồn tại thời gian gần 5 thế kỷ (11 - 15), liên tục bị chiến tranh tàn phá rồi lại được xây dựng, tu bổ phục hồi ở nhiều thời điểm khác nhau nên dấu tích đã bị mờ nhạt.

Năm 1776, Nguyễn Nhạc dựng đại bản doanh nghĩa quân Tây Sơn tại vị trí thành Đồ Bàn cũ và sau đó xây dựng thành kinh đô của nhà Tây Sơn. Sau khi nhà Tây Sơn thất thủ, năm 1807, Hoàng đế Gia Long của nhà Nguyễn cho triệt hạ thành Hoàng Đế, vì vậy mà dấu vết kinh đô vương triều Tây Sơn hầu như bị xóa sạch.

Hoàng Trọng

>> Khảo cổ học “nhón chân” vào thế giới phẳng
>> Công bố hơn 500 phát hiện khảo cổ học
>> Mở đường cho khảo cổ học đô thị
>> Nhà khảo cổ học Đỗ Văn Ninh qua đời
>> Khảo cổ học bình dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.