Xử lý chủ yếu là “tham nhũng vặt”

27/10/2012 03:40 GMT+7

Trong khi căn bệnh tham nhũng đang hết sức nghiêm trọng, thì hầu hết các vụ việc được phát hiện, xử lý chỉ là “tham nhũng vặt”.

Thảo luận tổ chiều 26.10 về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm cũng như công tác PCTN năm 2012, nhiều ĐBQH phản ánh những vụ việc tham nhũng bị phát hiện, xử lý vừa qua chủ yếu là “tham nhũng vặt”, xảy ra ở cấp xã, cùng lắm là cấp huyện, trong khi các vụ tham nhũng kinh tế lớn, trong lĩnh vực ngân hàng tiền tệ thì chưa phát hiện kịp thời để ngăn chặn.

Gia tăng tham nhũng nhanh hơn... dân số

Tại tổ TP.HCM, ĐB Đỗ Văn Đương, Phó viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát - Viện KSND tối cao, nhìn nhận thời gian qua xảy ra hàng loạt vụ tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng ở các dự án xây dựng, đất đai, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước với tốc độ gia tăng nhanh hơn dân số. Việc phát hiện tham nhũng đã ít so với tình hình thực tế nhưng khi xử lý lại không nghiêm minh.

 

 ĐB Đỗ Văn Đương
Ảnh: Ngọc Thắng


Qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán phát hiện tổng giá trị tham nhũng, thất thoát hàng nghìn tỉ đồng nhưng thu hồi chỉ vài ba phần trăm, số còn lại đi đâu không rõ
ĐB Đỗ Văn Đương

Ông Đương dẫn chứng: Tỷ lệ đình chỉ án đối với người có chức vụ tham nhũng rất cao. Qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán phát hiện tổng giá trị tham nhũng, thất thoát hàng nghìn tỉ đồng nhưng thu hồi chỉ vài ba phần trăm, số còn lại đi đâu không rõ. Có tình trạng nhiều vụ án lớn được xử lý “đầu voi đuôi chuột” như PMU 18, rồi Vinashin, mới đây nhất là Vinalines, thất thoát rất nhiều nhưng không chỉ ra được tội tham ô, tham nhũng, thu hồi tài sản rất thấp.

Thực trạng đáng lo ngại khác, theo ông Đương, là mặc dù các cơ quan chuyên trách PCTN được kiện toàn từ cấp trung ương tới địa phương nhưng các vụ việc tự phát hiện rất ít, có chăng chỉ phát hiện tham nhũng đến cấp xã, cùng lắm là cấp huyện, tập trung ở các vụ việc tham nhũng vặt vài ba triệu, còn tham nhũng thông qua việc ra các quyết định hành chính trái luật để đối tượng khác lợi dụng, trục lợi thì chưa làm rõ được bao nhiêu.

Một dạng tham nhũng đáng lo ngại khác được ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) chỉ ra là tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, ngân hàng, tiền tệ. Theo ĐB Ánh, ngoài các vụ việc nổi cộm, khi công bố dư luận mới giật mình về con số sai phạm hàng nghìn tỉ đồng, còn có dạng tham nhũng từ việc ban hành các quy định, chính sách; chỉ có cách phòng ngừa, giám sát, phát hiện sớm mới có thể ngăn chặn. “Ai cũng nói giờ doanh nghiệp khó vay do điều kiện các ngân hàng tự đặt ra, vậy ai sẽ giám sát, kiểm tra, thẩm định về các điều kiện này để tuýt còi khi có vi phạm?”, ông Ánh đặt vấn đề, và cho rằng, để khắc phục, cần tập trung quân, tập trung lực lượng theo dõi, giám sát, phát hiện để ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm, tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng, kinh tế nói chung. "Đừng để chuyện xảy ra rồi, công bố số tiền sai phạm hàng nghìn tỉ, thấy hậu quả lớn quá. Như Vinashin, Vinalines nếu phát hiện ngăn chặn sớm thì hậu quả không nặng nề đến thế", ông Ánh dẫn chứng.

Để ngăn chặn dạng tham nhũng từ chính sách, ĐB Trần Thanh Hải (TP.HCM) cũng đề nghị “cần phải có cơ chế, biện pháp xử lý cán bộ, công chức ban hành các văn bản cá biệt dẫn tới tham nhũng”.

Kiểm soát thu nhập

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), một trong những nguyên nhân dẫn tới tham nhũng ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam là do thiếu công khai, minh bạch, đặc biệt ở các lĩnh vực cấp phép xây dựng, khai thác khoáng sản, lĩnh vực đất đai, chi tiêu công. “Ở các nước, họ công khai minh bạch chi tiêu công lắm. Chi tiêu ngân sách thế nào được dán trên đường phố để người dân tham gia giám sát cùng ĐBQH. Ở ta, các tài liệu thì cứ đóng dấu mật lên nên việc tiếp cận rất khó khăn”, ông Ngân đơn cử, và đề nghị cần tăng cường công khai minh bạch, hoàn thiện môi trường pháp luật, đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng để phòng ngừa tham nhũng.

“Mở rộng đối tượng kê khai tài sản thì tôi nhất trí nhưng nếu chỉ kê khai tài sản thì chưa đủ, một thang thuốc phải có nhiều vị. Vấn đề phải quản lý các kênh, phải làm tốt công tác thuế. Một công dân có 100 nghìn tỉ, ít nhất truy ngược anh đóng thuế bao nhiêu anh có ngần đó, tiền phải có xuất xứ, phải có cơ chế kiểm soát được”, ĐB Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) bổ sung thêm.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban TVQH Đinh Xuân Thảo nhấn mạnh một trong 3 biện pháp để ngăn ngừa tham nhũng là phải có cơ chế nghiêm minh, chặt chẽ của pháp luật trong kiểm soát thu nhập, tài sản của tất cả công dân. Như ở các nước, hành vi giấu tài sản, thu nhập được coi là vi phạm pháp luật về đóng thuế và họ kiểm soát chặt chẽ thu nhập, tài sản của dân thông qua việc nắm rõ lượng tiền vào tiền ra của từng cá nhân như thế nào.

Để tạo chuyển biến trong PCTN thời gian tới, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trần Đình Nhã đề nghị cần thành lập cơ quan độc lập chống tham nhũng, với đầy đủ các phương tiện và công cụ, và ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải biết sẵn sàng hy sinh mới mong đạt kết quả trong phòng, chống tham nhũng. QH cần có một nghị quyết, đã là tham nhũng thì không có án treo; không cho loại tội phạm tham nhũng giảm án. Đây là trách nhiệm của QH trong lập pháp, hành pháp và chúng tôi tin QH sẽ làm được. Bộ máy chống tham nhũng cũng cần phải thay lại, phải làm sạch”.

"Ngoài cơ quan PCTN độc lập, cần phải có thêm Đội đặc nhiệm hoạt động bí mật để theo dõi, phát hiện đối tượng tham nhũng để làm chuyển biến tình trạng tham nhũng trong thời gian tới", ĐB Thích Chơn Thiện (Thừa Thiên-Huế) bổ sung thêm.

Tránh lạm dụng “tạm giam”

Qua phiên thảo luận tổ về công tác phòng chống tội phạm, nhiều ĐB TP.HCM phản ánh tình trạng lạm dụng tạm giam khá phổ biến hiện nay rất đáng lo ngại.

Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, hiện đang có hiện tượng bắt giam tùy tiện, thả cũng tùy tiện không đúng với quy định của pháp luật. Đáng lo ngại là có một vài trường hợp chết trong quá trình tạm giam, gây bức xúc dư luận. “Phải giám sát hoạt động của các trại giam và cần xử lý nghiêm khắc cán bộ quản lý trại giam chưa làm hết trách nhiệm của mình, để xảy ra tình trạng người bị tạm giam chết trong quá trình bị giam giữ”, ông Nghĩa đề nghị.

ĐB Đỗ Văn Đương cũng phản ánh thực tế lạm dụng tạm giam với nhiều trường hợp không cần thiết, nhiều trường hợp bị tạm giam hành vi vi phạm chưa đủ cấu thành tội để bắt giam. Năm 2012, số người bị bắt tạm giam trong phạm vi cả nước, chủ yếu ở các địa phương, lên tới hơn 1.000  trường hợp. “Có hành vi nhưng chưa đến mức phạm tội hình sự nhưng rồi cứ bắt người ta vào, ví dụ đánh bạc dưới 2 triệu đồng, trộm cắp dưới 2 triệu đồng, mặc dù luật quy định thì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm. Cho nên tại kỳ họp này, QH sẽ thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp để chấn chỉnh hiện tượng này”, ông Đương cho biết.

T.N

Thanh Niên

>> Chống tham nhũng trong quản lý đất đai
>> Xử lý tham nhũng chưa nghiêm
>> Hôm nay khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13: Cử tri yêu cầu xử nghiêm tham nhũng
>> Thủ tướng nhận lỗi vì những yếu kém của Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.