Độc đáo nghệ thuật “tấu hài ngồi một chỗ”

28/10/2012 11:50 GMT+7

(TNO) Hội trường Nhà văn hóa sinh viên (TP.HCM) tối 27.10 chật kín người đến xem màn biểu diễn tấu hài độc đáo của nghệ sĩ người Nhật Katsura Utazo.

Sau đêm diễn ở Hà Nội vào ngày 24.10, chương trình Độc diễn Tấu hài Rakugo đã đến TP.HCM thu hút đông đảo sự quan tâm chú ý của giới trẻ về loại hình nghệ thuật hài độc đáo của Nhật Bản.

Mặc dù phải kê thêm ghế trên các bậc thang, thậm chí phải chen chúc nhau đứng xem nhưng đổi lại khán giả đã có một đêm thưởng thức nghệ thuật thú vị.

Rakugo là một loại hình nghệ thuật giải trí truyền thống của Nhật Bản. Người biểu diễn ngồi một chỗ trên sân khấu và độc diễn tấu hài chỉ với những đạo cụ như là chiếc quạt giấy sensu hay một chiếc khăn tay tenugui mà không cần di chuyển.


Không gian chương trình chỉ đơn giản là một màn hình chiếu phụ đề và người nghệ sĩ ngồi yên một chỗ - Ảnh: Thiên Hương

 
Lối diễn của nghệ sĩ hài Katsura Utazo thật sự cuốn hút khán giả  - Ảnh: Thiên Hương

Chương trình tối 27.10 chỉ gồm ba tác phẩm: Thằng khờ, Nóng nảy - Lề mề Thần chết nhưng lại “bội thu” những tràng cười của khán giả. Trong đó, câu chuyện hài đặc sắc nhất có lẽ là Shinigami (Thần Chết) vay mượn từ câu chuyện Thần chết đỡ đầu của anh em nhà Grimm.

Mặc dù kể chuyện hài bằng tiếng Nhật, phụ đề tiếng Việt nhưng nghệ sĩ Katsura Utazo thật sự cuốn hút khán giả bởi giọng điệu, cách nhấn nhá và lối diễn đạt dí dỏm.



Cách biểu cảm của nghệ sĩ hài Katsura Utazo  - Ảnh: Thiên Hương

Đơn cử một mẩu truyện ngắn được kể trong chương trình:

Một người đàn ông bị bệnh nan y nằm cô đơn trên giường bệnh. Bỗng một bà tiên xuất hiện trước mặt và nói: “Bất kể điều đó là gì, hãy nói cho ta ba điều anh muốn”.

Người đàn ông ngay lập tức trả lời: “Con muốn tình bạn, tài sản và cuộc sống vĩnh hằng”.

Rồi quá cảm động, ông ta lại nói: “Con cảm ơn bà tiên, con thật lòng biết ơn bà”.

“Không, không có gì”, bà tiên nói tiếp, “Cảm ơn anh vì đã trả lời giúp bảng hỏi”.

Nghệ thuật trình diễn Rakugo có từ thế kỷ 16 nhưng đến thời kỳ Edo (thế kỷ 17 - 18), loại hình nghệ thuật này mới trở nên phổ biến và được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ thầy giáo đến học trò, như một môn nghệ thuật chuyên nghiệp.


Khán giả thích thú với nghệ thuật Rakugo - Ảnh: Thiên Hương

Trong Rakugo, người biểu diễn có thể vừa đóng vai người dẫn chuyện, vừa vào vai các nhân vật trong chuyện. Thử thách đối với một nghệ sĩ Rakugo đó là việc chuyển vai từ nhân vật này sang nhân vật khác.

Thiên Hương

>> Kịch cà phê thay tấu hài
>> Xem tấu hài Nhật Bản
>> Tàu hải giám Trung Quốc lại đến gần Senkaku/Điếu Ngư
>> Tấu hài đang chết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.