Để hiểu rõ hơn về nguồn gốc cũng như chất lượng món thịt chó, PV Thanh Niên đã thâm nhập vào những lò mổ lớn nhất nhì của 2 xã trên. Theo dân buôn chó, cũng như những chủ lò mổ, nhiều năm nay, nơi đây được coi là trung tâm cung cấp thịt chó sống lớn nhất miền Bắc. Tại Hà Nội, hai xã này cung cấp hơn 70% lượng thịt chó, tương đương 4 - 5 tấn mỗi ngày.
Từ chó nhập đến chó bả
Trên đường dẫn vào làng, chúng tôi bắt gặp những chiếc lồng sắt, những đống rơm to lù để thui chó. Khắp làng, đi tới đâu cũng phảng phất mùi phân chó. Hệ thống cống rãnh cũng tắc tị bởi đủ thứ cặn bã được thải ra từ các hộ giết mổ chó.
Ông Trịnh Văn Cai, chủ một lò giết mổ cũng như cung cấp thịt chó có tiếng ở Cao Hạ (xã Đức Giang), cho biết vài năm trước chó sống được gom từ các huyện miền núi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhưng gần đây, do nhu cầu tăng vọt, người ta phải sang cả Thái Lan, Lào và Campuchia thu mua chó sống mới đủ cung cấp.
Chó sống tập kết tại khu vực biên giới, trước khi được đóng vào những xe tải loại lớn hàng chục tấn. Tránh cho chó hao cân, những xe này phải chạy không ngừng nghỉ suốt ngày đêm về Đức Giang để xuống hàng. Thông thường 2 - 3 ngày các hộ lại nhập chó sống một lần. Lần nhập ít nhất mỗi hộ lấy từ 5 - 6 tạ chó “hơi”.
Cũng theo ông Cai, để tránh thực khách nghi ngờ về nguồn gốc khó kiểm soát, hầu hết các hộ làm chó đều nói mua ở khu vực miền núi Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Nếu chó “hơi” mua ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... có giá không dưới 70.000 đồng/kg, thì mua bên kia biên giới chỉ từ 45.000 - 50.000 đồng/kg.
Từ nhiều năm nay, đời sống người dân xã Đức Thượng cũng phất lên nhờ nghề mua bán chó. Theo lời H., một chủ cơ sở chuyên cung cấp thịt chó sống cho các chợ thuộc khu vực Q.Đống Đa và Q.Hai Bà Trưng (TP.Hà Nội), ngoài lượng hàng được nhập từ nhiều tỉnh trong nước, nhập ngoại, thì hầu hết số chủ lò đều mua lại chó từ đám “cẩu tặc”, hay từ số người đi mua chó dạo. Mua chó từ các nguồn này dễ ép được giá và giá chỉ nhỉnh hơn phân nửa giá chó thường chút ít. “Thường thì đám trộm chó chẳng chừa chó khỏe hay chó ốm, chó có dịch bệnh hay không. Rồi chúng còn dùng cả bả để trộm chó. Do vậy mà chó mua từ nguồn này thường có “vấn đề” về sức khỏe, nhưng không sao...”, giọng H. lấp lửng.
|
Hãi hùng “cầy tơ”
“Ví như chó bị đánh bả. Thì phải là bả độc ăn vào chó mới lăn đùng ra. Nhưng nếu kịp thời đem về lò “hóa kiếp”, chỉ cần bỏ đi bộ lòng thôi”, H. nói nhỏ để tôi đủ nghe. Song theo H., trường hợp này hiếm lắm, đa phần chó bị đánh bả sau nhiều giờ đồng hồ mới được đem bán cho các cơ sở. Tới lúc này, chất độc của bả đã ngấm qua bộ lòng vào lục phủ ngũ tạng, thậm chí vào thịt. Biết là vậy nhưng có bao giờ thấy chó bị đánh bả chết mà vứt đi nguyên con đâu. “Người ta vẫn nói “răng nhe như răng chó”, nên chó ốm, yếu bị nghi dịch bệnh cũng vậy, trước khi “hóa kiếp”, mấy ông thợ mổ thường cắt nguyên cái thủ để bỏ đi. Vì các ông này sợ khi làm thịt, răng cẩu nhe ra gây trầy xước da, chất độc dễ nhiễm vào cơ thể”, H. vừa nói vừa dẫn tôi ghé thăm khu giết mổ.
Bất chấp sự xuất hiện của người lạ mặt, đám thợ vẫn thản nhiên tay dao. Trên nền gạch, lẫn trong những chú cẩu bị chọc tiết, mổ moi nằm thẳng đừ, đợi để thui là những cỗ lòng, những bãi phân chó quện lẫn mớ lông vấy máu đỏ au. Cách đó vài bước chân, khu nhốt chó với cả trăm con đang sợ hãi trước cảnh đồng loại bị “hóa kiếp”, rúm ró tụ vào một góc trông thật đáng thương. Trời mờ sáng, người lấy hàng đã lục tục xuất hiện. Để “tiết kiệm” thời gian, nhiều mối hàng còn bạo tay nhặt những miếng cuống họng, phổi, bèo nhèo... còn dính nguyên phân, ném vô thùng nước đục ngầu mà khoắng. Trong nháy mắt, số nội tạng này đã được xay nhuyễn, trước khi đem hòa lẫn với xô tiết để cạnh máy đánh lông chó. Hóa ra, món dồi chó khoái khẩu ở đây được làm như vậy.
Mỗi ngày xuất đi thị trường nội thành Hà Nội trên 2 tạ thịt chó “móc hàm”, T., chủ một lò chó có tiếng ở Đức Giang, cho hay: “Món cầy tơ được tẩm ướp bằng giềng mẻ lại ăn kèm lá mơ với củ sả thì mũi có thính hơn mũi cẩu nghiệp vụ cũng chẳng tài nào phát hiện được đâu là thịt chó khỏe, đâu là thịt chó bệnh”. Rồi T. còn kể chúng tôi nghe một tuyệt chiêu làm hàng mà thoáng nghe qua cũng đủ làm nhiều người phải tởn cầy tơ đủ món tới già. Theo đó, sau khi vượt quãng đường hàng trăm cây số từ bên kia biên giới, nhiều chú cẩu chân đứng không còn vững, mình gầy trơ xương. Thoạt nhìn qua đã chẳng muốn nhập hàng chứ đừng nói gì tới chuyện đụng đũa. Nhưng không, chủ lò vẫn cho thợ “hóa kiếp” bình thường. Sau đó, thay vì được thui rơm, chú cẩu này được vùi xuống một đống cát sạch, đợi thời gian đủ khiến mình chú cẩu trương lên, nhưng không được để phình quá. Tới công đoạn này, chủ lò mới moi chó lên đem rửa sạch, trước khi thui vàng bằng rơm. Thui qua, nhìn chú cẩu gầy trơ xương cũng béo mượt như bao con chó khác...
Ai kiểm dịch ?
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Hải, Trạm trưởng Y tế xã Đức Giang, cho biết hiện trên địa bàn xã có chừng dăm, sáu chục hộ làm nghề giết mổ, buôn bán thịt chó. Thông thường số thịt mà các hộ đưa vào nội thành khoảng 4 tấn/ngày. Dịp cuối năm, trời mát, con số này sẽ không dưới 5 tấn/ngày. Ông Hải cũng tự hào, lượng thịt chó ở Đức Giang xuất đi phải chiếm tới trên 70% lượng thịt chó ở khu vực nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, khi được hỏi về công tác kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với món cầy tơ khoái khẩu này, thì ông Hải tỏ ra ngập ngừng. Theo ông Hải, định kỳ Trạm Y tế xã vẫn cấp, phát thuốc tới từng hộ để phun vệ sinh, phòng dịch.
Trong khi đó, khi dẫn chúng tôi xuống thực tế tại các hộ giết mổ, được hỏi về nguồn gốc, cũng như số lượng chó nhập về Đức Giang, ông Hải đều khẳng định dù là chó nhập ngoại hay trong nước đi chăng nữa thì cũng phải có giấy kiểm dịch, giấy chứng minh nguồn gốc rõ ràng. Nhưng khi chúng tôi yêu cầu được xem lại số giấy tờ của lần nhập chó gần đây nhất thì ông Hải không đưa ra được. Chưa hết, theo lời ông Hải, chó được chở về xã bằng xe ô tô tải và vào ban ngày. Tuy nhiên, ông Cải, một “trùm” chó ở thôn Cao Hạ, khẳng định những xe vận chuyển chó về tới làng lúc 9 - 10 giờ đêm. Thời điểm này chỉ có người bán, kẻ mua, chứ chẳng bao giờ thấy người của trạm y tế xuất hiện.
Bán chó bẩn, ăn chó sạch ! Một chủ lò mổ ở Đức Giang “bật mí” không riêng gì gia đình ông, nhiều điểm cung cấp chó thịt trong thôn, trong xã đều có một khu chuyên nuôi nhốt chó “tuyển”, được mua ở các vùng miền núi. Số chó này người dân địa phương thường gọi là chó “sạch”, chỉ dùng để nhà ăn, đãi khách hoặc bán cho anh em họ hàng, người quen, các quán ruột trong làng. Số chó còn lại được đem giết mổ, bán ra ngoài.
|
Hà An
Bình luận (0)