>> Làm giàu trên cao nguyên đá
>> Hỗ trợ vốn cho thanh niên làm giàu
>> Làm giàu nhờ... liều
Chim trĩ đỏ là động quý hiếm có tên trong sách đỏ có nguy cơ tuyệt chủng do con người săn bắt quá nhiều. Hiện nay, việc nuôi và nhân giống trĩ đỏ thành công trong môi trường nhân tạo đã giúp bảo vệ nguồn giống quý hiếm, mang lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi.
50.000đồng/quả trứng
Chị Đỗ Thị Thanh Hương (25 tuổi, ngụ ấp An Hòa, xã Tân Tiến, H.Đồng Phú, Bình Phước) đã thành công trong nghề nuôi chim trĩ đỏ. Ban đầu, chị Hương tận dụng chuồng nuôi heo cũ, đầu tư gần 20 triệu đồng sửa sang lại và nuôi thử nghiệm 30 con. Chim được nuôi 5 tháng thì cho thịt thương phẩm (1,3 - 1,5 kg/con), khoảng 8 tháng sau thì cho sinh sản. Chị Hương cho biết, do chim trĩ không biết ấp trứng nên đẻ quanh năm (trung bình mỗi con đẻ từ 120-200 trứng/năm). Với giá 50.000 đồng/quả trứng, giá thịt thương phẩm 450.000 đồng/kg và chim sinh sản khoảng 1,3 triệu đồng/con… nên mỗi tháng đã đem lại thu nhập cho gia đình chị Hương từ 50-70 triệu đồng (chưa trừ chi phí-PV). Hiện nay, đàn chim trĩ đỏ của chị Hương đã có trên 100 con chim mái đẻ trứng, 30 chim trống (cứ 3 mái 1 trống), trung bình mỗi tháng đàn chim trĩ này cho ra đời từ 700-800 con chim trĩ đỏ con.
|
Về kinh nghiệm, chị Hương cho biết: “Đây là loại chim có sức đề kháng cao nên chỉ cần cho uống thuốc phòng ngừa dịch, cúm và hàng tuần vệ sinh chuồng trại là được. Thức ăn ngoài cám gà chị cho ăn thêm rau muống, mỗi ngày cho ăn 3 lần”. Theo chị Hương, nuôi chim trĩ đỏ thu lợi nhanh là vì chim đẻ nhiều, dễ nuôi và thị trường hiện nay còn rộng lớn. Thịt chim trĩ lại được đánh giá là bổ dưỡng, giàu protein, vitamin, canxi, sắt. Theo cách tính của chị Hương cứ một con chim thương phẩm nuôi từ nhỏ tới khi thành phẩm chỉ tốn 100.000 chi phí, trong khi đó giá như hiện nay đang lãi 600.000đồng/con.
Môi trường nuôi phù hợp
Chỉ nuôi khoảng 50 con trĩ giống, nhưng mỗi năm ông Bùi Thanh Sơn ở KP Bình Minh 1, P.Dĩ An, TX.Dĩ An (Bình Dương) lãi ròng gần 100 triệu đồng. Ông Sơn cho biết, tình cờ trong một lần về quê ở tỉnh Hà Nam thấy có nhiều người giàu lên nhờ nuôi chim trĩ. Sau đó, ông Sơn đưa từ Hà Nam về 3 cặp trĩ đỏ khoang trắng 6 tháng tuổi, với giá 2 triệu đồng/cặp. Qua quá trình nuôi, ông Sơn phát hiện ra môi trường khí hậu ở vùng Đông Nam bộ rất phù hợp với việc nuôi chim trĩ. Đến khoảng giữa mùa mưa năm 2009, cả 3 con chim trĩ mái đồng loạt đẻ trứng. Ông Sơn đem một số trứng cho gà ấp thử, nhưng tỷ lệ nở con đạt không quá 20%. Sau đó, ông Sơn mua máy ấp trứng ấp thử nghiệm. Bằng kinh nghiệm thực tế sau nhiều năm chăn nuôi, hiện máy ấp của ông đã ấp đạt tỷ lệ trên 60%. Do ở khu vực đông dân cư không có điều kiện mở rộng chuồng trại, nên ông Sơn chỉ nuôi khoảng 50 con chim trĩ giống gồm cả mái lẫn trống, nhưng mỗi năm thu về gần cả trăm triệu đồng tiền lãi.
Nói về kỹ thuật chăm sóc, ông Sơn cho biết: “Trĩ có sức đề kháng tốt, dễ nuôi. Thức ăn chính là bắp, lúa, cám tổng hợp và các loại rau. Khi nuôi cần làm lồng lưới thoáng mát để chúng phát triển tốt. Nhốt riêng mỗi chuồng 1 con trống và khoảng 3 - 4 con mái là lý tưởng. Nuôi nhốt trên nền đất cát để tránh ẩm ướt gây bệnh tật. Khi đến mùa đẻ trứng, trĩ sẽ đào cát để làm ổ. Nền cát còn hút ẩm rất tốt, nhanh chóng làm khô phân khi trĩ thải ra”. Cũng theo ông Sơn, loài chim trĩ đỏ khoang trắng có một nhược điểm là dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi thất thường, nhất là những lúc mưa bão. Biểu hiện của chúng là ủ rũ, bỏ ăn. Những lúc như thế, cần thắp đèn sưởi ấp, tiêm vắc-xin tăng đề kháng cho trĩ. Ít nhất mỗi tuần phải vệ sinh chuồng trại một lần. Để tránh đồng huyết, cần mua thêm trĩ trống về thay. Như thế, trĩ con sẽ phát triển tốt hơn, không bệnh đau...
Phước Hiệp - Đỗ Trường
Bình luận (0)