Nỗ lực phi lý của học giả Trung Quốc, Đài Loan

29/10/2012 03:15 GMT+7

Một nhóm học giả Trung Quốc và Đài Loan kêu gọi đẩy mạnh nghiên cứu bản đồ “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh tuyên bố ở biển Đông.

Ngày 28.10, báo Taipei Times đưa tin một nhóm học giả Trung Quốc đại lục và Đài Loan vừa cùng nhau tổ chức hội thảo để yêu cầu chính quyền hai bên đẩy mạnh nghiên cứu về “đường lưỡi bò” ngang ngược. Lâu nay, cả Bắc Kinh và Đài Bắc đều dùng bản đồ trên tuyên bố chủ quyền vô lý, chiếm gần trọn biển Đông. Trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

 Ông Ngô Sĩ Tồn (phải) trong một hội thảo gần đây
Ông Ngô Sĩ Tồn (phải) trong một hội thảo gần đây - Ảnh: Chinareviewnews.com

Vì thừa biết tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh và Đài Bắc ở biển Đông không có cơ sở về mặt pháp lý nên nhóm học giả trên ra sức đề xuất chính quyền hai bên “chọn lựa tài liệu lịch sử phù hợp để cộng tác đưa ra lập luận”. Những người này cũng đề xuất các công ty dầu khí Trung Quốc đại lục và Đài Loan mở rộng hợp tác để thăm dò nguồn tài nguyên xung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nếu như thế, đây là hành động trái phép bất chấp luật pháp quốc tế và Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết.

Rõ ràng, nếu có chứng cứ hợp pháp thì Trung Quốc đại lục và Đài Loan không cần phải gượng ép chọn lựa cái gọi là “tài liệu lịch sử phù hợp”. Thậm chí, trong cuộc trả lời hãng tin Tân Văn xã hồi tháng 5, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải (Trung Quốc) Ngô Sĩ Tồn từng thừa nhận rằng “sự hợp lý” trong tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông chỉ dựa trên luật pháp nước này mà chẳng viện dẫn luật pháp quốc tế. Như vậy, học giả Trung Quốc đại lục và Đài Loan đang cố tình lờ đi tính sự thật của lịch sử và luật pháp quốc tế rằng Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đề xuất trên của học giả Trung Quốc và Đài Loan đã đi ngược lại với quan điểm chung của giới đồng nghiệp quốc tế. Ngày 24.10, Trường đào tạo nhân viên và sĩ quan chỉ huy Hải quân Indonesia vừa tổ chức hội thảo quốc tế “Chiến lược hàng hải mang tính hợp tác nhằm tăng cường an ninh và ổn định trên biển Đông” tại Jakarta. Theo TTXVN, hội thảo có sự tham gia của giới quan chức, học giả đến từ nhiều nước như Anh, Trung Quốc, Singapore và chủ nhà Indonesia. Tại đây, hầu hết các đại biểu đều tái khẳng định cần đảm bảo an ninh, ổn định trên vùng biển này trên cơ sở thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, thỏa thuận hiện hành. Trong đó có DOC, Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Theo các đại biểu, DOC là tiền đề quan trọng để hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Ngoài ra, vào ngày 23.10, hội thảo quốc tế chủ đề “Thực trạng vấn đề chủ quyền biển Đông và giải pháp” diễn ra ở Đại học Tổng hợp Chosun thuộc thành phố Gwangju, Hàn Quốc. Tại hội thảo, Giáo sư chuyên ngành Việt Nam học Lee Yun-boem, thuộc Trường đại học Chungwoon (Hàn Quốc), nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử minh bạch chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, theo TTXVN. Tương tự, Giáo sư Ahn Kyong-hwan của ĐH Chosun nhận định về mặt lịch sử thì quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được chứng minh một cách rõ ràng là đã được Việt Nam cai quản một cách hiệu quả từ lâu. Ngoài ra, tiến sĩ Isabel, thuộc Đại học Chosun, cũng khẳng định Việt Nam, chứ không phải quốc gia nào khác, đã sở hữu một cách thực chất quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ lâu. Theo ông, Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo phương thức hòa bình và liên tục kể từ thế kỷ 17.

Văn Khoa

>> Toàn thế giới không ủng hộ “đường lưỡi bò”
>> “Đường lưỡi bò là cái cùm lớn tròng vào cổ Trung Quốc”
>> Trung Quốc “lúng túng về đường lưỡi bò”
>> Hội thảo quốc tế phê phán “đường lưỡi bò”
>> Tăng cường đối trọng với “đường lưỡi bò”
>> Vạch rõ âm mưu “đường lưỡi bò”
>> Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách “đường lưỡi bò”
>> Trung Quốc đẩy mạnh đường lưỡi bò
>> Cần có bài báo khoa học bác bỏ đường lưỡi bò
>> Không có chỗ cho “đường lưỡi bò”
>> “Đường lưỡi bò” tiếp tục bị phản đối
>> Google Maps cần gỡ bỏ “đường lưỡi bò”
>> Tiến sĩ Dương Danh Huy: Cần chủ động ngăn chặn “đường lưỡi bò”
>> “Đường lưỡi bò” núp bóng khoa học
>> Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - Kỳ 16: “Đường lưỡi bò” phi lý
>> Trung Quốc tự mâu thuẫn về "đường lưỡi bò

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.