Không chỉ chuyện “cẩu tặc”

30/10/2012 03:25 GMT+7

Vào sáng 25.10, hai người đàn ông đã bị đám đông người dân đánh bất tỉnh và xe máy của họ bị đốt rụi ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Trớ trêu thay, hai nạn nhân này cũng đồng thời là nghi phạm ăn trộm chó.

Câu chuyện trên là một bi kịch đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm gần đây. Theo đó, những kẻ bị bắt quả tang hoặc bị tình nghi ăn trộm chó đã bị đám đông “xử tại chỗ” mà không chờ sự vào cuộc của hệ thống pháp luật. Có trường hợp nghi phạm trộm chó bị đám đông cuồng nộ đánh chết, mà sự kiện xảy ra tại xã Gio Thành, huyện Gio Linh (Quảng Trị) vào ngày 29.8 không phải là ví dụ duy nhất.

Dễ nhận thấy đây là hệ quả từ thực tế: nạn trộm chó lộng hành trước sự bất lực của cơ quan chức năng. Không có gì vô lý và bi đát hơn, khi người dân nuôi chó lại phải luôn sống trong sợ hãi trước sự đe dọa của kẻ trộm cướp. Tại nhiều nơi, chủ chó còn bị “cẩu tặc” hành hung, thậm chí bị giết; trong khi cơ quan bảo vệ pháp luật thì phản ứng chậm chạp, thậm chí thờ ơ. Trong nhiều trường hợp, kẻ trộm chó bị đánh hội đồng sau khi hành hung người sở hữu chó hoặc người truy đuổi. Mới đây nhất, sáng 23.10, tại thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), anh Nguyễn Trung Hiếu đã bị bắn chết khi đang cố đuổi theo kẻ trộm chó.

“Cẩu tặc” lộng hành còn chính quyền thì phản ứng chậm, người dân không còn cách nào khác là tự bảo vệ cho sự an nguy của mình, tự thực thi công lý theo cách của mình. Người dân có lý do chính đáng để tự vệ, nhưng hình ảnh hàng chục, hàng trăm người bao vây, đánh đập nghi phạm trộm chó và ngăn chặn xe cứu thương chở những thủ-phạm-nạn-nhân này tới bệnh viện lại mang dáng dấp của những phong trào hành quyết trong các xã hội bất ổn. Nước Mỹ vào cuối thế kỷ 19, đặc biệt là sau Nội chiến, từng chứng kiến vô số cuộc hành quyết (lynching) ghê rợn. Trong đó, những “tội nhân”, theo phán quyết của một cá nhân hoặc tập thể, bị treo cổ ngay lập tức mà không chờ đến sự vào cuộc của cảnh sát và tòa án. Phong trào KKK ở Mỹ, tệ săn phù thủy ở Mỹ, châu Phi… là những hình thức khác nhau của một hiện tượng: bỏ qua hệ thống hành pháp và tư pháp, đám đông tự thực thi cái mà họ cho là công lý.

Nhiều nghiên cứu khẳng định lynching xảy ra phổ biến nhất trong các xã hội bất ổn, khi hệ thống chính quyền không đảm trách được vai trò bảo an. Ở Mỹ vào cuối thế kỷ 19, đó là lúc lòng người phân rẽ, sự bất mãn của một bộ phận người da trắng dâng lên khi nô lệ da đen được giải phóng, và chính quyền chưa thực hiện tốt vai trò quản lý xã hội. Ở Haiti sau trận động đất năm 2010, hơn 40 người đã bị đám đông hành quyết với cáo buộc là thủ phạm làm lây lan dịch bệnh, trong bối cảnh chính quyền không kiểm soát nổi bất ổn xã hội còn người dân thì mất niềm tin vào chính quyền theo sau thảm họa thiên nhiên.

Đặt dưới lăng kính lịch sử và xã hội học, sẽ thấy rằng những trận đánh hội đồng nghi phạm trộm chó đang xảy ra với mật độ ngày càng tăng tại Việt Nam mang hình hài của nạn lynching từng gây nên bao kinh hoàng ở Mỹ và nhiều nơi khác. Đó là niềm tin của người dân vào chính quyền bị xói mòn song song với nỗi hoang mang và giận dữ trước nạn “cẩu tặc” ngày một tăng. Thực trạng người dân lành sắm hung khí để tự vệ gần đây còn cho thấy nỗi hoang mang và mất lòng tin ấy đang lan rộng, chứ không chỉ giới hạn trong chuyện “cẩu tặc”.

Nguyên nhân trên hết của xu hướng này chính là sự yếu kém của bộ máy chính quyền. Để giải quyết triệt để, phải bắt đầu bằng việc chấn chỉnh năng lực thực thi pháp luật của cơ quan chức năng.

Châu Minh Linh

>> Xác định nghi can trộm chó bắn chết cán bộ tỉnh Bắc Ninh
>> Nghi trộm chó, 2 người bị đánh nhừ tử
>> Một cán bộ văn phòng UBND tỉnh bị kẻ trộm chó bắn chết
>> Bị đốt xe, đánh trọng thương vì trộm chó
>> Bắt quả tang một vụ trộm chó
>> Trộm chó ở Sài Gòn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.