Dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh sao cho hiệu quả ?

01/11/2012 03:05 GMT+7

Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa. Muốn hội nhập, chúng ta phải tự động mở cửa bước vào sân chơi. Để sòng phẳng, người chơi cần được trang bị kiến thức, bản lĩnh văn hóa, hiểu được luật chơi và nhiều thứ khác nữa. Trong đó ngoại ngữ là một điều kiện không thể thiếu được.

>> Có nên dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh ? - Kỳ 2: Không cố làm cho có
>> Có nên dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh ?

Hiện nay tiếng Anh là ngôn ngữ quan trọng nhất, sau tiếng mẹ đẻ. Không hiểu được người ta nói gì, không nói được những gì mình cần biểu đạt và người nghe không hiểu mình muốn nói gì thì làm sao có thể tham gia cuộc chơi lớn?

Vì sao học sinh, thậm chí sinh viên ngoại ngữ lại “câm và điếc” tiếng Anh? Mặc dù chúng ta bỏ ra không ít thời gian, tiền của và công sức cho môn học này. Có nhiều nguyên nhân, trong đó 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, đa số học sinh không có động lực, không biết học để làm gì. Thứ hai, không có môi trường học.
Có thể nói cản trở lớn nhất trong học tập, công việc, giao lưu của người Việt Nam hiện nay vẫn là ngoại ngữ .Trong các hội nghị quốc tế hoặc khu vực, số lượng diễn giả, tham gia thảo luận là người Việt Nam rất khiêm tốn. Không phải do số công trình ít ỏi mà còn bởi sự thiếu tự tin vào khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ.

Những năm gần đây, trong các hội nghị quốc tế sử dụng tiếng Anh tổ chức tại Việt Nam, số diễn giả người Pháp rất thưa thớt, còn các báo cáo viên người Đức thì xuất hiện với mật độ rất dày. Không phải người Đức giỏi hơn người Pháp. Đơn giản, người Đức chịu sử dụng tiếng Anh nhiều hơn người Pháp nên mức độ tự tin và thông thạo ngôn ngữ này chắc chắn sẽ khác.

Malaysia, một đất nước gần với Việt Nam, tiếng Anh được sử dụng rất phổ biến từ THCS đến đại học. Cũng nhờ vậy mà sự tiếp cận với thế giới bên ngoài của học sinh Malaysia dễ dàng hơn gấp nhiều lần so với học sinh của chúng ta. Bản thân tôi cùng rất nhiều đồng nghiệp đã và đang làm việc tại Malaysia đều nhận thấy lợi điểm vô cùng lớn của nước bạn và thầm ao ước Việt Nam sẽ có một chiến lược dài hơi để làm sao nâng khả năng tiếng Anh của đồng bào mình lên.

Bởi vậy việc bắt đầu tiến hành dạy bằng tiếng Anh những bộ môn khoa học có chọn lựa, trong những điều kiện chọn lọc có thể coi là những đốm lửa nhỏ cần nhen lên trong lúc này. Một chiến lược như thế phải rất dài hơi và phải rất công phu. Có thể chúng ta tiến hành bây giờ thì 20 năm sau hoặc lâu hơn nữa thành quả ấy mới rõ ràng.

Có thể lúc đầu chỉ nên bắt đầu với một thời lượng rất nhỏ sau đó sẽ nâng dần lên để cả thầy và trò đều được chuẩn bị. Nếu ban đầu chưa làm được ở trường phổ thông thì nên bắt đầu ở đại học. Điều quan trọng là đừng đưa việc này thành những tiêu chuẩn đánh giá, xếp hạng khen thưởng vì như vậy sẽ tạo nên một phong trào thành tích nguy hại. Cũng không nên bắt buộc các trường mà chỉ khuyến khích và hỗ trợ. Điều quan trọng là chúng ta phải nhắm đến vài chục năm sau chứ không thể nóng vội ngày một ngày hai.

TS Lê Minh Khôi
Trường ĐH Y Dược TP.HCM

>> Dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh: Cần có lộ trình rõ ràng
>> Để đạt điểm cao các môn khoa học tự nhiên
>> Để các môn khoa học Mác - Lênin thu hút giới trẻ
>> Ghi nhớ hiệu quả môn khoa học xã hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.