Đề xuất lùi thời hạn tăng lương tối thiểu theo lộ trình được đưa ra, dù thất vọng nhưng nhiều người cũng đành ngậm ngùi chấp nhận khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ thú nhận "không còn dư địa nào để tăng thu cho mục tiêu bù vào lương trừ phi in tiền".
Tuy nhiên, việc công khai thu - chi ngân sách ngay sau đó với bội chi vẫn tăng cao cho thấy, có quá nhiều điều cần phải nói xung quanh vấn đề này.
Chúng ta đều biết, việc tăng lương tối thiểu đã có lộ trình từ trước chứ không phải "đùng một cái", nói tăng là tăng. Nghĩa là ngân sách đã có kế hoạch, có sự chuẩn bị nguồn tiền cho khoản chi này nên không thể nói thiếu hay không có tiền. Như vậy có 2 khả năng, hoặc là nguồn tiền này có nhưng đã bị sử dụng cho việc khác, hoặc xây dựng kế hoạch tăng lương mà không hề có sự chuẩn bị về nguồn lực để thực hiện. Thu - chi ngân sách là chuyện lớn, chuyện đại sự nên việc thiếu hụt ngân sách để tăng lương theo lộ trình, dù với lý do gì cũng cần phải làm rõ để có hướng xử lý.
Ngân sách khó khăn không có tiền để tăng lương nhưng bội chi vẫn tăng vượt dự toán tới gần 11% (tính đến giữa giữa tháng 10.2012), đặc biệt là việc "vung tay" cho hội hè, khánh tiết, quản lý hành chính và gần 40.000 khoản chi sai ở khắp nơi, khắp các lĩnh vực là điều không thể chấp nhận.
Nên nhớ, tỷ lệ thu ngân sách trong GDP của Việt Nam đang ở mức cao nhất khu vực nên trông chờ vào tăng thu để tăng lương thì không thể và không nên. Cách duy nhất là "siết" chi. Theo tính toán của một số đại biểu Quốc hội, chỉ cần "siết" một số khoản chi thường xuyên, cắt giảm đầu tư công, cắt giảm chi phí quản lý hành chính, hội hè, khánh tiết, chi sai, động thổ, khởi công; lãng phí, thiếu hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước... cũng đủ để không phải lùi thời hạn tăng lương như đề xuất nói trên.
Có thể khẳng định, siết chi tiêu công là bài toán đơn giản nhất, đúng đắn và hợp lý nhất trong bối cảnh hiện nay. Khi thu nhập bị "teo" đi vì giá xăng, giá điện, giá nước, dịch vụ y tế, giáo dục... tăng lên, hàng triệu gia đình, hàng triệu người dân cũng phải cắt giảm chi tiêu. Các khoản chưa cần thiết, gấp gáp như sửa chữa nhà cửa, đổi xe, hạn chế ăn hàng quán, thay thịt bằng rau, đổi sữa ngoại sang sữa nội... đã được thực hiện. Với ngân sách cũng tương tự, khi nguồn thu eo hẹp thì chi tiêu mua sắm công, các khoản chi cho lễ hội, trụ sở mới, đi nước ngoài, xe công, hội họp, tinh giản bộ máy... phải được thực hiện một cách kiên quyết. Người dân có thể thực hiện được, không có lý do gì ngân sách không thể thực hiện được.
Quan trọng hơn, hoãn tăng lương không chỉ gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân mà còn tác động xấu đến cả nền kinh tế. Bởi tăng lương sẽ kích thích tiêu dùng, giải quyết tồn kho, thúc đẩy sản xuất. Ngược lại, không được tăng lương người dân sẽ càng thắt chặt chi tiêu. Sức mua đã giảm, sẽ càng giảm hơn, hoạt động của doanh nghiệp sẽ tiếp tục đình trệ và kinh tế nói chung đương nhiên bị ảnh hưởng mạnh.
Dư địa tăng thu không còn nhưng dư địa giảm chi thì rất lớn. Vấn đề còn lại là chúng ta có quyết liệt thực hiện hay không mà thôi.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)