Đinh Công Đạt ngồi xệp xuống chiếc ghế thấp ở xưởng vẽ ngoài đê Tân Ấp, Hà Nội. Gác chiếc hộp sơn ta lên đùi, anh vừa tô vừa nói chuyện, giọng ấm và to. Hai bàn tay không to như giọng anh nói nhưng rất “thợ nề” - thỉnh thoảng lại xòe cả năm ngón như cái quạt và quệt thật mạnh vào ống quần. Không chỉ thợ nề, nhiều thợ thủ công cũng có thói quen giống anh. Mà Đạt - lại là “tổng hòa các mối quan hệ thợ thủ công”. Anh học gốm với nghệ nhân làng Phủ Lãng, học sơn mài ở Chương Mỹ, rồi học làm đồ da, đồ đồng cũng chỉ ở những làng nghề khét tiếng. “Học thế thích hơn học ở trường Mỹ thuật”, Đạt “chém” chắc nịch.
“Tôi chỉ thấy hợp đề tài tự do”
|
Tại trường Mỹ thuật, Đạt hai lần ghi dấu ấn trái ngược. Đầu vào thủ khoa, đầu ra đội sổ. Đào tạo điêu khắc trong trường “bẻ quặt” tư duy nghệ sĩ hướng về các tượng đài. Nhưng sự đồ sộ cũng như tư duy một màu tưởng niệm với anh thật xa lạ. Đạt trở thành không giống ai trong lớp. “Tôi chỉ thấy hợp đề tài tự do”, nghệ sĩ điêu khắc giờ nổi như cồn nói.
|
Tự do với Đạt là biến hóa thành hết con này đến con khác trong sáng tác của mình. Tự do đến mức, Đạt không công bố nổi con số cụ thể nhưng dám chắc con cua mình tạc không đủ tám cẳng hai càng. Những con vật khác mà Đạt thể hiện trong suốt những năm học mỹ thuật cũng đều đại loại như thế cả. Nó khác hẳn với hình dung thông thường về con vật vì bao giờ cũng thêm, bớt một số điểm nhấn nào đó. Nhưng sự thêm bớt đó cũng không hồn nhiên tinh thần dân gian. Thực ra, những con vật của Đạt gần hơn với những sinh vật được mô tả kỹ lưỡng mà các họa sĩ thực hiện cho những phim viễn tưởng hoặc thảm họa. Những sinh vật ấy, kiến mà không kiến, nhện mà không nhện… Thế nên dù quay lưng lại với tả thực “bò sát”, tác phẩm của Đạt vẫn có thần trong trau chuốt từng tiểu tiết. Từ sự trau chuốt ấy, thấy rõ anh quá duy mỹ - nôm na hơn là khó tính. Khó đến mức, ngay từ khi mới ra đời, những chú kiến điêu khắc tuyệt đẹp của Đạt đã có chỗ trong nhà họa sĩ Lê Thiết Cương - người có gu thẩm mỹ tinh tế khét tiếng. Lọt vào “sào huyệt” của Cương, tác phẩm không được quá chi tiết vì Cương mê tối giản. Không được giản dị kiểu xuề xòa vì Cương tinh đến mức con ruồi bay qua biết con nào mê sơn dầu, con nào mê tranh lụa… Thế mà những chú kiến của Đạt được hẳn chỗ trang trọng trong nhà Cương, để khách khứa văn nghệ dập dìu bao giờ cũng thấy rõ, ngắm tận.
Vài con gà bị “bắt trộm”
Trong xưởng của Đạt, “cốt” những chú kiến, cô ong chờ người đặt mới tút tát rồi xuất xưởng được treo dọc trên tường cao. Khách đến xem hàng ngồi chờ trên chú ngựa gỗ thấp như một chiếc ghế con. Đạt nói với một vị khách “mi nhon” chừng tám chục ký: “Cứ yên tâm, vì làm cho trẻ chơi nên thợ mộc đã tính toán kỹ lắm. Ngồi kiểu gì ngựa cũng chiều, vững lắm”. Không chỉ thợ mộc tính kỹ, con ngựa của Đạt ra lò được cũng nhờ đủ loại thợ tính. Thợ da tính sao cho dây cương ốp sát thân mà không doãng, nứt vì co ngót. Thợ sắt đóng đinh. Thợ kết xơ dừa… “2.000 USD một con, ai đặt rồi mới làm bán”.
|
Ngựa độc bán giá đó đã đành, gà cả đàn, Đạt cũng không có hàng mà bán rẻ. Còn nhớ triển lãm “Gà: chip, chic, chicky” tại Viện Goeth, anh bày một đàn đông con nhiều cháu tận 150 chú. Cốt thạch cao bồi giấy báo rồi đặt tên, vẽ thêm trang trí. Ai đến triển lãm thích tự tay sáng tác cũng được hướng dẫn tận nơi. Triển lãm bao nhiêu ngày là bấy nhiêu hôm trẻ con bò xoài ra sàn chơi hết sáng, hết chiều. Điêu khắc cho trẻ - lâu rồi - từ ngày xây công viên Lê Nin - ở Hà Nội chưa ai tổ chức làm, và lại còn cho chúng cùng tham dự… Đạt chính thức xô đổ một tinh thần điêu khắc chủ đạo của nước nhà, với sự cổ vũ của bọn trẻ như thế.
Tới ngày vãn cuộc, vẫn còn người đăng ký mua. Tiền thu về chỉ thiếu vài con bị “bắt trộm”. Đạt cho biết, sau này, từ những con gà bị bắt trộm ấy, người ta nhân lên thành nhiều mẫu gà khác. Vẫn công nghệ của Đạt sau khi gà bị mổ để lộ xương, da. Cửa hàng trộm mẫu bán món đồ chơi này hoành tráng trong một khu nhà lớn. Đạt biết hết, cáu kỉnh qua loa vài câu rồi lại chúi đầu vào làm mẫu đồ chơi khác.
Giờ đây, cuộc sống nghề nghiệp với anh là ngày nối ngày làm theo đơn hàng. Anh nổi tiếng về phong cách “không làm thì thôi chứ làm bao giờ cũng giá rất cao”. Thế nhưng, trong anh vẫn có những khoanh cảm xúc được chế tạo riêng cho cảm xúc trẻ em, đồ chơi trẻ em. Vì thế, trong những đơn hàng đắt xắt ra miếng vẫn có những đơn hàng giá trung trung. Những đơn hàng ấy, Đạt thu tiền nguyên vật liệu đầy đủ, công thợ đầy đủ nhưng phần giám sát, sáng tạo của mình gần như miễn phí.
Trong cuộc chơi điêu khắc, Đạt khỏe căng như nước trào lên từ một máy bơm công suất lớn, cuốn phăng mọi người tới miền đất tưởng tượng của trẻ em. Tại đó, không một đồ vật nào không được hình dung đầy đủ mà vẫn không thể giống hoàn toàn trong đời thực. Anh đi tới đó và hăm hở đẽo gọt ra những nhân vật điêu khắc mới tặng trẻ. Sự chuyên nghiệp của anh khiến những nhân vật ấy bao giờ cũng sinh động, và luôn trong tình trạng “đón chờ để ăn cắp mẫu”. Vẫn mãi như thế từ ngày bén duyên với điêu khắc, Đạt là một ẩn số luôn chờ bùng nổ để tạo thành vũ trụ đồ chơi trong sáng tác!
Trinh Nguyễn
>> Báo Anh nhận định về thương hiệu cà phê Trung Nguyên
>> Bạn hiểu gì về cà phê? - Nguồn gốc cà phê Việt Nam
>> Nhà văn trẻ Trung Quốc Xuân Thụ: Cà phê ở Hà Nội rất ngon
>> Đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột: Khả năng thắng kiện rất cao
Bình luận (0)