Phan Ý Ly: Đi tìm những cơ hội bình đẳng

02/11/2012 05:50 GMT+7

Khi Phan Ý Ly đứng chân trần trước mặt các học viên lớp ứng dụng sân khấu cho tâm lý, cô đã sẵn sàng để vòng tay ôm tất cả họ. Ôm thật ấm để mở ra một không gian của thảo nguyên xanh tươi.

“Giờ hãy cảm nhận. Tôi muốn các bạn sẽ lần lượt ôm tất cả những người có mặt trong căn phòng này”, Phan Ý Ly nói. Mỗi thành viên trong lớp từ từ ôm những người bạn học. Ôm ngắn, ôm dài. Xiết mạnh, nới nhẹ. Miễn sao, người này chỉ rời tay ôm người kia khi thấy việc giao kết đã đủ ấm...

 Phan Ý Ly
 Phan Ý Ly - Ảnh do nhân vật cung cấp 

“Tôi thực sự ân hận…”, một nữ giáo viên môn tâm lý giáo dục của đại học sư phạm chia sẻ. “Tuần trước, khi gặp mặt lớp đại học sau khi ra trường ba mươi năm, tôi đã không đồng ý để một bạn trai cùng lớp ôm vì ngượng. Nếu sớm biết có những cái ôm chia sẻ như thế này, tôi đã không bỏ lỡ cơ hội đó”.

 
Mở lòng cho bọn trẻ bãi giữa, nói cho cùng, để cũng thấy mình biết yêu thương người khác, và để có điều lớn hơn - xã hội bình đẳng về cơ hội

Nữ giảng viên nọ không phải trường hợp cá biệt. Phần lớn học viên đều thấy tiếc rằng sao họ đã không ôm nhân gian với một vòng tay ấm hơn, rộng mở hơn. Chia sẻ cảm xúc là điều trong cuộc đời vội vàng, bộn bề, người ta dễ dàng quên.  Nhưng đọc cảm xúc người khác không hề kém quan trọng hơn việc hiểu mình. Vì thế, lớp học tâm lý sân khấu của Ý Ly ra đời tại Hà Nội, cùng cô nhắc nhở học viên về điều đó. Theo cách của cô, đầu tiên bằng cách học ôm.

“Nếu bạn ôm ai thiệt tình, đối tác của bạn cảm nhận được điều đó”, TS Ngô Minh Uy, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý Sông Phố nói.

“Khi đi học, tôi hiểu thêm rằng nghệ thuật chỉ là một cách nói về những phương tiện chiêm nghiệm, biểu đạt khác nhau mà con người có thể sử dụng. Chuyển động. Sắm vai. m thanh. Ngôn từ. Nhật ký. Màu sắc. Đường nét. Bất cứ phương tiện hoặc hình thức nào thúc đẩy quá trình chiêm nghiệm, đối thoại đều có thể được sử dụng”, Phan Ý Ly nhớ lại về khóa học thạc sĩ nghệ thuật trong công tác phát triển xã hội tại Anh. Sau này, những kiến thức đó được học viên của chị áp dụng để tạo ra một không gian đối thoại cho cộng đồng một cách thân thiện và an toàn về chủ đề mà họ quan tâm.

“Nhà mình ở bãi giữa sông Hồng. Xung quanh là bãi ngô. Đến nhà mình bạn phải đi cùng với người lớn vì ở đó có rất nhiều người nghiện. Mình quen mà còn sợ nữa là”, Hiền - cô bé 9 tuổi dẫn chuyện trong bộ phim của nhóm trẻ bãi giữa sông Hồng viết kịch bản và tự quay.

Là dự án phim cộng đồng được Ngân hàng Thế giới tài trợ năm 2007, “Thảo nguyên xanh tươi” kể về cuộc sống của nhóm trẻ, và ước mơ xanh ngát về ngày mai của chúng. Chuyện của đám trẻ không ảm đạm, thê lương, xa cách như những gì nhiều người vẫn tưởng tượng và áp đặt cho bãi giữa.

“Mọi người ở đây làm nhiều việc để kiếm sống như làm ruộng ở bãi, nhặt giấy ở chợ Đồng Xuân, đi làm ô sin bốc vác ở công ty bánh kẹo, đi chợ bán rau. Nhặt giấy rất mệt mỏi, bốc vác thì lại nặng. Nhưng kiếm việc như thế cũng khó nên ai cũng chăm chỉ làm việc để lấy tiền nuôi con cái đi học”, giọng cô bé kể khi hình chạy cảnh người lớn dạy trẻ phân loại chai lọ cũ để bán. Cuộc mưu sinh vất vả nhưng bình thản. Còn bài hát êm đềm trong phim lại là của chung cả các em lẫn những trẻ no đủ: “Ba sẽ là cánh chim...”. 

Ly đã dạy các em cách cầm máy quay, quan trọng hơn cô mở lòng với đám trẻ để được các em “ôm” lại bằng cách hé mở chuyện đời của mình. Phim có một đoạn thú vị, trong đó, một người dân bãi giữa coi việc các em làm phim chỉ là trò nghịch ngợm. Ông nói đại ý, ai mà dám đưa máy quay tốt cho chúng, vì nếu hỏng thì lương cũng chẳng đủ mà đền. Sau cảnh đó vài giây là cuộc đối thoại giữa Hiền và mấy cô sinh viên cũng mang máy đến quay các em. Hầu như ai cũng sửng sốt vì việc các em có máy quay và biết cách sử dụng chúng. Đáp lại, các em nói về người đã cho mình cơ hội đó: “Chị Ly”. Rồi phía kia hỏi lại: “Chị Ly là ai?”.

Bây giờ, Ly là người đứng đầu Life Art - doanh nghiệp xã hội đầu tiên không đi theo mô hình lợi nhuận truyền thống mà cam kết tái đầu tư 80% doanh thu vào sự phát triển của cộng đồng. “Mỗi lớp học ở đây, chúng tôi dành 5 suất học bổng toàn phần cho các bé thiệt thòi. Cũng ít người biết học phí từ các học sinh khác trong lớp chính là nguồn đài thọ học bổng cho những trẻ em thiệt thòi”, cô cho biết. Trong khi đó, bản thân các khóa học của Ly cũng không dễ chiêu sinh. Ngay cả học viên bên cạnh một số thích mê cũng có những người thấy những bài tập thực hành ôm và tiếp xúc khác không thể chấp nhận. “Tôi nghĩ học phí và phương pháp giảng dạy lạ cũng là một lý do để những ai mới biết đến chúng tôi cảm thấy lưỡng lự”, Ly phân tích. Bản thân cô cũng đã chuẩn bị tinh thần để đối mặt với phản ứng đa chiều.

Nhưng với cách của Ly, những cuộc ôm hôn mỗi lúc một dày thêm. “Thảo nguyên xanh tươi” đã xuất ngoại trong khi các nhà làm phim nhí bãi giữa chỉ mong nó được chiếu thôi. “Phim của bọn trẻ con làm được chiếu ở Mỹ nhá. Gào toáng lên thế để mọi người chú ý cái”, Ly “cuồng” trên trang cá nhân. Bộ phim đã được chiếu ra mắt tại Liên hoan phim quốc tế người Việt tại Mỹ năm 2009. Nó cũng được chia sẻ trên nhiều mạng xã hội. Kỳ lạ, cuộc trải nghiệm phim khiến người ta thấy mình nhiều rõ không kém cuộc sống của lũ trẻ. Ai đó còn thành kiến. Ai đó còn bi quan... Rõ mồn một. Mở lòng cho bọn trẻ bãi giữa, nói cho cùng, để cũng thấy mình biết yêu thương người khác, và để có điều lớn hơn - xã hội bình đẳng về cơ hội. Cơ hội ấy, Ly đang cố mở đường thêm rộng.

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.