Tự tạo việc làm - tại sao không? - Mô hình cà phê zêrô

03/11/2012 03:05 GMT+7

Trên nhiều tuyến đường ở trung tâm TP.Biên Hòa và H.Long Thành (Đồng Nai) xuất hiện nhiều shop Z! cà phê rất ngộ nghĩnh của 2 chàng trai trẻ.

“Z! cà phê có ý nghĩa bắt đầu đi lên bằng con số zê rô (số 0)”, Ngô Công Tuấn (26 tuổi), ngụ tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai, mở đầu câu chuyện. Còn bây giờ,  Z! cà phê đã có 12 quầy tại TP.Biên Hòa và H.Long Thành thu hút hơn 100 sinh viên làm việc. Mỗi quầy cà phê có diện tích từ 8 - 10 m2 (đầu tư khoảng 60 - 80 triệu đồng/quầy). Riêng những quầy có khu vực dành cho khách ngồi uống tại chỗ thì đầu tư khoảng 200 triệu đồng.   

Z! cà phê bây giờ đã có thương hiệu, ăn nên làm ra, thu hút rất nhiều khách hàng trẻ, bởi hình thức đẹp mắt, tiện lợi và phong cách phục vụ nhanh chóng. Đặng Hoàng Anh (21 tuổi), sinh viên một trường ĐH tại Đồng Nai là khách hàng thường xuyên đến với Z! cà phê cho biết: “ Mình chọn Z! bởi phong cách phục vụ nhanh nhẹn, vui vẻ, trẻ trung, thích hợp với sinh viên tụi mình và điều quan trọng là mình thấy nó ngon và hợp vệ sinh”.  

 Tự tạo việc làm - tại sao không? - Mô hình cà phê zêrô
Hà Vũ Bảo Giang (trái) và Ngô Công Tuấn tại một cửa hàng của Z! cà phê - Ảnh: Lê An


Để có những thành công như ngày hôm nay, hai ông chủ trẻ phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Cách đây 4 năm, trong một lần cùng bạn bè đến Vũng Tàu chơi, Tuấn và Hà Vũ Bảo Giang (27 tuổi, cùng ngụ tại TP.Biên Hòa) bị cuốn hút bởi hình thức kinh doanh của những shop bán đồ uống mang đi (shop & go). "Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu mô hình cà phê “shop & go”, với nguồn vốn khoảng 30 triệu đồng từ việc bán xe gắn máy, chúng tôi bước vào con đường kinh doanh đầy thử thách", Giang tâm sự. Do cả 2 không rành cà phê nên Tuấn và Giang phải tự học, từ cách pha chế, thưởng thức hương vị cho đến cách quản lý, điều hành…   

Đặc biệt, các bạn sinh viên đến làm tại Z! cà phê không chỉ có nhiệm vụ đem thức uống cho khách, mà còn được Tuấn và Giang huấn luyện khả năng làm việc nhóm, quản lý, thái độ phục vụ... “Ở Z! cà phê có 3 hình thức quản lý khác nhau. Hình thức bình thường là các bạn phục vụ. Hình thức thứ 2 là sau khi trải nghiệm qua thời gian phục vụ (từ 6 -12 tháng), các bạn phải vượt qua kỳ thi của Z! cà phê, để tìm ra những người có tố chất quản lý. Mình muốn các bạn trẻ hướng đến cách quản lý tốt nhất”, Tuấn chia sẻ.

Có lẽ vì vậy mà các bạn sinh viên chọn Z! cà phê là nơi làm thêm để có kinh nghiệm thực tiễn. Bạn Hong Nhịt Dìn (sinh viên năm 3 trường ĐH Công nghiệp) nói: "Làm ở Z! cà phê thời gian linh động nên phù hợp với mình. Bên cạnh đó, mình học được cách giao tiếp, phục vụ. Phải biết mỉm cười với khách hàng, đó là nguyên tắc làm việc ở đây và mình thích điều đó”. Với Hà Vũ Bảo Giang thì: “Thái độ phục vụ luôn được khách hàng hài lòng tại các chuỗi quầy của Z! cà phê, đó là bài toán khó, nhất là các bạn sinh viên làm bán thời gian. Các bạn đến đây làm việc phải biết cách làm hài lòng khách, kể cả người khó tính”.

Thời gian gần đây, hình thức kinh doanh shop & go phổ biến rộng rãi ở Biên Hòa. “Càng có nhiều mô hình tương tự, thì chúng tôi càng có động lực thúc đẩy bản thân làm tốt hơn. Cố gắng làm sao để hoàn thiện mình hơn, khẳng định thương hiệu và chất lượng”, Bảo Giang nói.        

Ý kiến

 Băn khoăn về vốn
Băn khoăn về vốn

“Tôi rất thích kinh doanh và ấp ủ giấc mơ kinh doanh từ lâu rồi. Qua kinh doanh mình có thể tự tạo việc làm cho mình, tự kiếm tiền mà không phụ thuộc quá nhiều vào người khác. Đồng thời có thể tạo được việc làm cho những bạn trẻ. Mình học thiết kế nên dự định khoảng 3, 4 năm nữa sẽ mở công ty kinh doanh in ấn. Hiện giờ mình băn khoăn đến những vấn đề như: tiền vốn, lượng khách hàng, uy tín. Vì thế trong thời gian này mình đi làm để được trải nghiệm, tích lũy vốn, trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm, chuẩn bị kiến thức về ngành muốn kinh doanh. Đặc biệt là học hỏi thêm những kỹ năng về marketing, quản lý nhân sự... để có thể kinh doanh thành công”.

Hồng Tú
Công ty thiết bị nhà bếp cao cấp ở TP.HCM

 Cần có kỹ năng tự tạo việc làm
Cần có kỹ năng tự tạo việc làm

“Là bạn trẻ, ai cũng muốn tự tạo cho mình một việc làm. Bản thân mình cũng thế, nhưng không phải muốn là được. Bởi có quá nhiều điều phải nghĩ đến như: vốn liếng, kinh nghiệm, cách để có thể khởi nghiệp thành công... Mình mong rằng ngày càng có nhiều trường ĐH, CĐ tổ chức những giờ học ngoại khóa, những buổi hướng dẫn, lồng ghép dạy kỹ năng tự tạo việc làm giúp tụi mình có thể tiếp cận để khởi nghiệp”.

        Ánh Huyền
Sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng, Đồng Nai

 Hướng đi hợp lý
Hướng đi hợp lý

“Tôi nghĩ, tự tạo việc làm là xu hướng của đa số giới trẻ hiện nay. Khi tình trạng không thể xin được việc làm ổn định, phải làm trái ngành nghề nhiều; nhiều công ty phá sản... thì tự tạo việc làm cho bản thân là hướng đi hợp lý. Từ lâu tôi muốn khởi nghiệp bằng cách mở quán cà phê, mang phong cách cổ xưa. Để có thể thu hút khách phải tạo ra những hoạt động như: biểu diễn ghi ta hằng đêm, chơi những dòng nhạc trữ tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phú Quang, cố gắng thu hút giới trẻ quay về với giá trị âm nhạc đích thực chứ không phải nhạc thị trường như hiện nay. Tuy nhiên, tôi đang gặp phải vấn đề mà nhiều bạn trẻ có ý định khởi nghiệp thường gặp phải, đó là vốn đầu tư, kinh nghiệm”.

            Nguyễn Việt An
Công ty Doosan Vina, Quảng Ngãi

Nguyễn Thanh Nam (ghi)

      

Lê An

>> Tự tạo việc làm - tại sao không ?
>> Tự tạo việc làm - tại sao không ?
>> Để khỏi thất nghiệp: Tự tạo việc làm

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.