Báo cáo cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này trên phạm vi cả nước còn tồn tại khá nhiều bất cập, từ việc ban hành các quy định xử phạt cho đến việc tiến hành xử phạt, việc sử dụng tiền nộp phạt của người vi phạm.
Về việc sử dụng khoản tiền nộp phạt, Báo cáo giám sát dẫn số liệu báo cáo của Chính phủ trong 3 năm qua cho thấy, tổng số tiền thu được từ xử phạt trên 6.700 tỉ đồng, phần lớn thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Hiện nay, việc quản lý và sử dụng số tiền này được thực hiện theo quy định tại một số nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, theo cơ quan giám sát, những quy định này còn bất cập, chưa phù hợp. Cụ thể toàn bộ số tiền được điều tiết 100% cho ngân sách địa phương, trong đó lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông (ATGT) được trích 70%, số còn lại trích cho lực lượng thanh tra GTVT hoạt động tại địa phương với 10%, trích tiếp 10% cho Ban ATGT của tỉnh và 10% còn lại trích cho các lực lượng khác trực tiếp tham gia vào công tác trật tự ATGT tại quận, huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn.
Ủy ban Pháp luật cho rằng: Các quy định nêu trên của Chính phủ và Bộ Tài chính là không phù hợp với quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính cũng như luật Xử lý vi phạm hành chính đã được Quốc hội thông qua (tháng 6.2012) và quy định của luật Ngân sách nhà nước, làm cho việc sử dụng khoản thu này của ngân sách không tập trung, không bảo đảm mục đích thu của xử phạt vi phạm hành chính nói riêng, ngân sách nhà nước nói chung.
Ủy ban Pháp luật kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định về quản lý, sử dụng tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính nói chung cũng như trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng không phù hợp với quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính và pháp luật về ngân sách nhà nước.
Bảo Cầm
Bình luận (0)