Anh Võ Văn Phương cùng gia đình từ Q.Thủ Đức lên mua một ngôi nhà mặt tiền hẻm 325 Bạch Đằng, P.15, Q.Bình Thạnh. Ngôi nhà chỉ rộng khoảng 20 m2 và anh hoàn toàn không biết nhà nằm trong lộ giới hẻm “treo”. Khi lên phường xin sửa chữa thì vợ chồng anh mới tá hỏa. Anh Phương bức xúc: “Lúc đầu cũng có nghe bà con nói đến chuyện lộ giới hẻm nhưng nó đã bị “treo” cả chục năm rồi nên nghĩ là không còn mở rộng nữa. Do nhà xuống cấp và liên tục bị ngập nước bởi triều cường, vợ tôi lên phường xin phép sửa chữa thì họ bảo do quy định của quận nên chỉ cho nâng nền lên 0,7 m, nếu xây cao tầng thì phải viết cam kết sau này không được đòi đền bù. Hỏi lúc nào mở rộng hẻm thì không ai trả lời”.
|
|
Bi đát hơn là trường hợp của anh Đỗ Văn Bốn, cũng có nhà nằm trên con hẻm 325 Bạch Đằng, P.15. Vợ chồng anh Bốn là bộ đội, có 2 người con và 3 người cháu ở trong ngôi nhà (có sổ hồng) mua từ năm 1998 với diện tích hơn 40 m2. Điều khiến vợ chồng anh luôn thấp thỏm lo âu là ngôi nhà cứ bị “treo” theo lộ giới quy hoạch hẻm của quận. “Nhà tôi thuộc diện đặc biệt nhất ở khu vực này vì dính lộ giới cả hẻm mặt tiền và bên hông.
Mấy năm nay tôi đi xin giấy phép xây lại nhà để có chỗ cho con cái sinh hoạt, học hành nhưng không được, phường chỉ cho nâng nền 0,5 m và yêu cầu giữ nguyên hiện trạng. Trừ đi lộ giới hẻm (đang bị “treo” vô thời hạn) thì nhà tôi chỉ còn lại khoảng 20 m2, họ bảo nhỏ quá nên không cấp phép xây dựng. Tôi sắp nghỉ hưu rồi, muốn bán đi ở chỗ khác cũng không ai thèm mua. Giờ tiến thoái lưỡng nan, cả gia đình 7 người đành phải cắn răng chịu đựng cảnh chật chội và nỗi ám ảnh ô nhiễm do ngập nước trào lên từ đường cống mỗi khi triều cường”, anh Bốn than thở.
Riêng trường hợp của anh Nguyễn Minh Thiện thì đúng là chuyện “bỗng nhiên mất đất”. Dù đã có bản vẽ thiết kế và giấy phép xây dựng cả năm nay nhưng anh Thiện chưa thể khởi công xây nhà mới tại địa chỉ 395 Bùi Đình Túy, P.14 (Q.Bình Thạnh). “Thửa đất này vốn là của mẹ tôi để lại cho con cái. Các anh chị em lập gia đình và tách ra ở riêng, khi làm nhà đã tự chừa một lối đi khoảng gần 2 m và có chung cổng vào nhà của anh chị em ở phía sau. Vậy mà chẳng hiểu sao quận lại đưa lối đi chung ấy vào diện quy hoạch mở rộng lộ giới hẻm. Gia đình tôi hoàn toàn không hề hay biết cho đến khi đi xin giấy phép xây dựng, quận buộc tôi xây thụt lùi vào phần đất của chúng tôi thêm gần 1 m nữa. Bỗng dưng lại bị mất đất, tôi đi khiếu nại nhiều lần rồi nhưng vẫn chưa có nơi nào giải quyết”, anh Thiện cho biết.
Trên thực tế, quy hoạch lộ giới hẻm được nhiều quận huyện tiến hành từ thập niên 1990 của thế kỷ trước. Đến tháng 7.2007, UBND TP.HCM có Quyết định 88 quy định lại về lộ giới hẻm. Theo đó, lộ giới áp dụng cho hẻm chính tối thiểu 6 m, trường hợp đặc biệt có thể nhỏ hơn 6 m nhưng không dưới 4,5 m. Lộ giới áp dụng cho hẻm nhánh và hẻm cụt từ 3,5 - 6 m. Khi có quyết định này, các quận huyện một lần nữa điều chỉnh lại lộ giới hẻm nhưng cho đến nay vẫn không triển khai được, hầu hết quy hoạch hẻm chỉ dừng lại ở mức cắm bảng lộ giới. Trong đó, Q.10 “treo” khoảng 1.500 hẻm ở 15 phường; Q.Bình Thạnh cũng “treo” gần 2.000 hẻm ở 20 phường...
Đình Phú
>> Nhà trong lộ giới được xây 3 tầng
>> Được xây nhà 3 tầng trong lộ giới bị quy hoạch
Bình luận (0)