Nón lá quê nhà

04/11/2012 03:05 GMT+7

Nón lá đã có từ lâu lắm trong dòng lịch sử Việt. Nó có mặt khắp nơi từ thành thị đến thôn quê không phân biệt sang hèn, nam nữ, nghề nghiệp...

Nón lá theo người nông dân ra đồng một nắng hai sương mùa mưa cũng đặng, mùa nắng cũng xong cốt để làm mát, tránh mưa cho một đời lam lũ. Còn gì thú vị khoan khoái khi nghỉ tay cấy, tay cày lấy nón làm quạt dưới lũy tre làng.

Nón làm bạn với người bán hàng rong lê la trên khắp phố phường từ chị bán xôi, anh xích lô đạp, đến ngoại bán cốm dẹp, bánh tét, bánh bò... đâu đâu cũng gặp.

Thương lắm những tà áo dài trắng học trò thanh khiết thướt tha bay bay trong gió những buổi đến trường, em lúng liếng cười giấu khuôn mặt rạng ngời trinh nguyên dưới vành nón lá quê mình.

Sao có thể quên được những con người cả đời lam lũ gắn chặt mình với đôi tay làm ra bao nón lá tô điểm cho đời.

Ở các làng quê mỗi khi có lễ hội, tang ma, hiếu, hỉ, nón lá xuất hiện đầy đường, trên các cánh đồng, trên các nẻo đường đất chân quê. Nón với người là đôi bạn chí thân không rời nhau nửa bước.

Nón lá cũng nhẹ nhàng đi vào thơ, ca, nhạc, họa... mang đậm bản sắc quê hương. Nón bài thơ Huế đến nay vẫn là dấu ấn đẹp về quá khứ chưa thể xóa mờ. Có gì xúc động hơn khi người Việt Nam định cư ở nước ngoài bắt gặp chiếc áo dài thuần túy và chiếc nón lá quê hương đã và đang nhắc nhở về nguồn cội, tổ tiên.

Ngày nay, nón lá chỉ còn thấy ở các khu lưu niệm, khu du lịch cốt để du khách mua làm quà tặng người thân. Họa hoằn lắm mới thấy chúng trong phim ảnh, kịch trường, các tiết mục văn nghệ, cải lương... Những chiếc nón bảo hiểm đủ dáng, đủ kiểu đầy màu sắc đã hoàn toàn thay thế nón lá. Dẫu biết cuộc sống “thương hải biến vi tang điền” nhưng vẫn thấy bùi ngùi, thương thương, nhớ nhớ chiếc nón lá quê nhà.

Triệu Mỹ Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.