Một thời vàng son
|
Theo tìm hiểu, làng nghề sơn mài (LNSM) Bình Dương ra đời do những người dân gốc Trung - Bắc, đến đây tạo lập nên làng nghề sơn cách đây hơn 300 năm. Về sau, Pháp lập trường Mỹ thuật bản xứ Thủ Dầu Một (1901 - nay là trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương), đào tạo một đội ngũ thợ thủ công mỹ nghệ lành nghề, cống hiến cho sự phát triển LNSM Bình Dương cho tận ngày nay.
LNSM Bình Dương không chỉ tồn tại kỹ thuật sơn son thếp vàng, sơn then, mà còn xuất hiện nhiều thể loại tranh sơn mài với kỹ thuật phát triển khá độc đáo, như sơn lộng, vẽ chìm, vẽ mỏng, vẽ lặn phức tạp, khoét trũng, đắp nổi, cẩn xà cừ, cẩn vỏ trứng, cẩn tre, vẽ màu vàng bạc nhũ, vẽ màu vàng bạc lá, vẽ tổng hợp… đã gây được tiếng vang lớn trong, ngoài nước; mà cái nôi là làng sơn mài Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một). Theo ông Thái Kim Điền, Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc tỉnh Bình Dương, đỉnh cao của sơn mài Bình Dương vào những năm 1945 - 1975. Sản phẩm sơn mài Bình Dương bền, không bị bong nứt hoặc biến dạng với những vùng có thời tiết khắc nghiệt, nên được ưa chuộng tại thị trường các nước EU. Tại các Hội chợ Munich (CHLB Đức) 1964, Hội chợ Công Thương Sài Gòn 1974, Triển lãm Kinh tế - Khoa học Kỹ thuật toàn quốc 1975... đại diện sơn mài Bình Dương đều giành được Huy chương Vàng.
Trăn trở của nghệ nhân làng nghề
|
Theo thống kê của UBND Xã Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một), trước đây xã có hơn 400 hộ hoạt động kinh doanh, sản xuất liên quan đến lĩnh vực sơn mài, nhưng đến nay chỉ còn hơn 100 hộ. Nghệ nhân Trần Văn Khiêm (74 tuổi, xã Tương Bình Hiệp, gần 50 năm theo nghề), kể: 10 năm trước, cơ sở làm tranh sơn mài của ông có hơn 100 công nhân nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 10 người. “Trước đây, sơn mài Tương Bình Hiệp hưng thịnh lắm. Suốt con đường vào xã từ đầu đường đến cuối đường, nhà nào cũng làm sơn mài, nhưng nay người ta bỏ nghề chuyển sang làm cái khác. Tôi thật sự lo lắng cho một làng nghề truyền thống này”, ông Khiêm nói.
Trong căn nhà nhỏ ở P Hiệp Thành (TP.Thủ Dầu Một), mân mê những sản phẩm sơn mài mình đã làm ra trong thời kỳ “hưng thịnh”, họa sĩ Nguyễn Văn Tuyền thở dài: “Lưu giữ LNSM chủ yếu “cha truyền con không nối”. Còn lớp trẻ bây giờ không còn “mặn mà” với làng nghề. Bởi, trước đây theo nghề có thể nuôi cả gia đình nhưng hiện nay LNSM gặp nhiều bấp bênh về giá cả, khó có thể đảm bảo cuộc sống. Mặt khác, nhiều bạn trẻ đến với nghề với thái độ hờ hững, xem nghề chỉ là mưu sinh, do đó để tìm ra những tác phẩm “đậm chất” cho người xem rất ít”
Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài-Điêu khắc Bình Dương Lê Bá Linh, giải thích: “Thời đại công nghiệp, người ta không còn mài, đánh bóng sản phẩm bằng tay như trước đây nữa, mà họ sử dụng máy mài, máy đánh bóng… nên dần làm mất đi những cách tạo tác sơn mài truyền thống. Chất liệu cũng bị thay đổi dần cho phù hợp với nhịp độ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, một số nơi vì chạy theo lợi nhuận đã cho ra đời hàng loạt các sản phẩm sơn mài “mì ăn liền”. Cách làm ấy dần làm giảm sút uy tín của làng nghề. Sức tiêu thụ giảm nhiều, một số cơ sở và hộ gia đình sản xuất nhỏ do thiếu vốn đầu tư nên đành chuyển hướng mưu sinh. Các cơ sở lớn cũng gặp không ít khó khăn do thiếu nhân công lành nghề và khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm”.
Trước những “sóng gió” của làng nghề, nhiều nghệ nhân đề nghị chính quyền cần quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng thương hiệu cho LNSM; thường xuyên tổ chức các đợt triển lãm để có thể đem sơn mài Bình Dương bay cao, bay xa. Đồng thời, cần hỗ trợ kinh phí cho những cơ sở sản xuất để họ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay…
Tuệ Phương
Bình luận (0)