(TNO) Những vụ dọa nổ bình gas trong quán ăn, khống chế trẻ em làm con tin tại trường mầm non và một số án mạng với những lý do... "lãng xẹt" do những người tâm thần gây ra gần đây đã làm bàng hoàng dư luận…
Bỗng dưng... chém người
Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần TP.HCM đang giám định trường hợp T.T.K (22 tuổi, ngụ phường Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM) chém trọng thương bé N.T.T.T (6 tuổi, ngụ cùng địa phương) chỉ vì bé T. làm văng bịch sinh tố vào người K.
|
Theo hồ sơ bệnh lý, vụ việc xảy ra khi bé T. chạy sang nhà K. chơi, trên tay cầm bịch sinh tố uống. Lúc này K. đang nằm xem báo. Lúc đến gần K., T. vô tình làm văng bịch sinh tố vào người K. K. liền cầm con dao để ở bàn thờ ông địa gần đó, nắm tóc bé T. và liên tục chém vào người nạn nhân.
Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, bệnh tâm thần là cách gọi chung. Theo đó, có đến hơn 300 loại bệnh tâm thần. Người bệnh tâm thần có nguy cơ gây ra những hành động nguy hiểm, gây hại cho bản thân, gia đình, xã hội cao hơn người bình thường... Bệnh nhân bị ám ảnh người khác muốn giết mình, gây hại cho mình và gia đình hoặc nghe ảo thanh xúi giục trong đầu nên phản xạ là phải chém, giết người đó để tự vệ. Những bệnh nhân này gây ra án mạng vì những lý do khó tin, vô cớ... |
Mẹ của K. khai với cơ quan điều tra, bố K. có bệnh thần kinh và K. cũng có dấu hiệu tâm thần.
K. bị động kinh từ nhỏ, không thể kiểm soát bản thân, nhiều lần cắn lưỡi nhưng nhờ gia đình phát hiện kịp thời nên thoát chết… Hàng xóm và người nhà của nạn nhân cũng nhận định tính tình K. cộc cằn, kỳ cục, không nói chuyện với ai, không có bạn.
Nếu K. chém bé T. đến 30 nhát dao chỉ vì vô tình bị vấy bẩn vào người thì trường hợp của H.V.N rượt đâm anh N.X.P gây thương tích 20% cũng với lý do rất “lãng nhách”.
Theo hồ sơ của phía Cơ quan CSĐT Công an Q.Bình Tân (TP.HCM), N. tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Anh có dấu hiệu đặc trưng của người mắc bệnh tâm thần từ năm 2005 như: nói lảm nhảm, không nhận mẹ, cáu gắt khó chịu…
N. bị ám ảnh có người theo dõi, muốn đầu độc mình nên thường tự nhốt mình trong phòng, đóng kín cửa, tắt đèn; liên tục thức trắng đêm, đi lòng vòng trong phòng; ăn uống thất thường vì cho rằng thức ăn có độc.
N. từng nhập viện điều trị tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM (cơ sở Lê Minh Xuân) hai lần vào tháng 5 và 7.2012. Khi tình hình sức khỏe ổn định, gia đình đã xin cho N. về điều trị tại nhà nhưng anh bỏ thuốc.
Vụ khống chế trẻ em làm con tin tại Trường mầm non 10A (47 Gò Cẩm Đệm, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM) xảy ra vào ngày 11.10, cũng gây bàng hoàng dư luận. Trong đó, kẻ gây án từng liên quan đến vụ việc giết người và được cơ quan chức năng kết luận bị bệnh tâm thần phải điều trị bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Người tâm thân gây án tăng nhanh
|
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần TP.HCM - cho biết thời gian gần đây, các vụ án liên quan đến người có dấu hiệu bệnh tâm thần tăng cao. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP.HCM, trung bình phía công an đưa qua Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần TP.HCM 3-4 ca/tuần, thậm chí có tuần lên đến 10 ca có tính chất nghiêm trọng.
Bác sĩ - chuyên viên tâm lý trị liệu - giảng viên Huỳnh Thị Hoài Như (Khoa Tâm thần, ĐH Y dược TP.HCM) cho biết an toàn là nhu cầu cần thiết trong đời sống mỗi người, những ám ảnh, căng thẳng về sự mất an toàn có thể gây stress, khủng hoảng tâm thần. Khi tình trạng bạo lực, tội phạm gây án nhiều thì người lương thiện sẽ cảm thấy không an toàn. Khi đó, họ sẽ phải tìm cách tự vệ hoặc làm lơ trước những điều sai mà mình chứng kiến, để đảm bảo an toàn... |
Còn theo số liệu của Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương - Phân viện phía Nam, trung bình một tuần Phân viện giám định 5-7 trường hợp người gây án có dấu hiệu tâm thần do cơ quan điều tra, công an các nơi chuyển đến. Mỗi năm, đơn vị này tiếp nhận 400 trường hợp bệnh nhân tâm thần gây ra các vụ án hình sự.
Theo bác sĩ Ngọc Quang, khi người bệnh lên cơn, bị kích động, biến đổi nhân cách… sẽ có những hành vi rất nguy hiểm, gây hại đến tính mạng người khác lẫn bản thân. Những cơn kích động này không lường trước được, không có dấu hiệu báo trước...
“Họ có thể chém người loạn xạ, giết người, rồi quay lại tự sát”, bác sĩ Ngọc Quang nhận định. (Còn tiếp)
Người khuyết tật (thể chất, tâm thần) cùng với các nhóm khác như: trẻ em, người thiếu số/bản địa, người già, người đồng tính... trở thành các nhóm dễ bị tổn thương cần bảo vệ trong tố tụng hình sự theo luật quốc tế. Công ước về quyền của những người khuyết tật là văn kiện mang tính quốc tế quan trọng nhất về quyền của nhóm đối tượng này. Ngoài ra, còn có các văn kiện khác liên quan như: Tuyên bố về quyền của những người khuyết tật về tâm thần (1971), Tuyên bố về các quyền của người khuyết tật (1975), Các nguyên tắc bảo vệ người mắc bệnh tâm thần và cải thiện việc chăm sóc sức khỏe tâm thần (1991)... Theo tinh thần của các văn kiện kể trên, có thể thấy trong tố tụng hình sự, người khuyết tật cũng có những quyền tố tụng bình đẳng như mọi chủ thể khác. Mặt khác, người khuyết tật nói chung, người mắc bệnh tâm thần nói riêng có thể được miễn giảm hoặc được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận với hệ thống tư pháp hiệu quả. Một khía cạnh khác cũng được các văn kiện này đề cập, đó là “cấm kết án và hành quyết người thiểu năng tâm thần”. |
Nguyên Mi
>> Người tâm thần dọa nổ bình gas trong quán ăn
>> Vụ bắt cóc con tin tại trường mầm non: Xử lý hung thủ mắc tâm thần như thế nào?
>> Kẻ bắt hai hai bé ở trường mầm non bị tâm thần?
>> Sẩy thai vì rối loạn tâm thần
>> 20 năm tù cho kẻ hiếp dâm người tâm thần
>> Tâm thần nặng tăng rủi ro bị ung thư
>> Trẻ bị nhiễm trùng ruột dễ mắc chứng tâm thần phân liệt
>> Bắt người tâm thần giết hai vợ chồng
>> Sự thật về kẻ “tâm thần” lừa đảo hàng loạt
>> Đình chỉ vụ một người gốc Việt tàng trữ ma túy vì nghi phạm bị bệnh tâm thần
>> Người tâm thần đánh chết thai phụ
Bình luận (0)