Tự tạo việc làm - tại sao không ? - Trồng dâu tây không cần đất

07/11/2012 09:00 GMT+7

Từ một đề tài luận văn tốt nghiệp của mình, Nguyễn Lâm Thanh (27 tuổi) ở Đa Phú, P.7, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng đã tự tạo ra việc làm mang lại hiệu quả kinh tế.

Mô hình trồng dâu thủy canh theo hướng sạch của chàng “thạc sĩ nông dân” Nguyễn Lâm Thanh nằm trên đường đi vào khu du lịch Thung lũng Vàng và hồ Suối Vàng (Đà Lạt). Vườn dâu thủy canh có diện tích 1.000 m2 của anh đang trở thành điểm đến của nhiều du khách gần xa. Họ đến không phải chỉ để tự tay chọn hái và mua dâu tươi tận vườn mà còn đến để tham quan, tìm hiểu mô hình trồng dâu tây thủy canh (không dùng đất) này như thế nào, hiệu quả ra sao. Chính vì vậy chàng thạc sĩ sinh học trẻ này phải suốt ngày tất bật với công việc của mình, bởi không chỉ tốn công chăm sóc vườn dâu, hái đóng hộp để bán mà anh còn phải kiêm luôn việc hướng dẫn viên để giải thích, giới thiệu cho du khách.

Tận tay hái những trái dâu trên giàn, bà Nguyễn Thị Hồng (Hà Nội) vui vẻ: “Tôi rất thích khi lần đầu tiên đến, nhìn thấy và biết được cách trồng dâu như thế này. Dù giá dâu có cao hơn ở ngoài nhưng tôi vẫn thích mua, bởi đây đúng là dâu sạch và qua đây tôi cũng tìm hiểu được nhiều thông tin bổ ích…”.         

Nguyễn Lâm Thanh cho hay, mô hình trồng dâu thủy canh này bắt nguồn từ công trình thực nghiệm làm luận văn tốt nghiệp cao học của anh trước đó. Thanh kể: “Năm 2008, khi chọn đề tài làm luận văn tốt nghiệp, tôi đã trăn trở rất nhiều và cuối cùng chọn đề tài về cây dâu thủy canh này. Khi ấy tôi nghĩ: dâu tây là cây đặc sản của Đà Lạt, nhưng người nông dân trồng dâu lại bấp bênh bởi có quá nhiều dịch bệnh. Làm sao khống chế dịch bệnh, cây đạt năng suất, đưa vườn dâu vào phục vụ du lịch để nâng cao đời sống người trồng dâu và quảng bá thương hiệu dâu tây Đà Lạt? Vì vậy mà tôi chọn đề tài này”.


Nguyễn Lâm Thanh đang chăm sóc vườn dâu của mình - Ảnh: G.B

Thanh mượn 10 m2 đất của bố mẹ để làm vườn thực nghiệm cho phương pháp của mình và mô hình đã thành công. Sau đó, Thanh quyết định ứng dụng vào sản xuất để tìm hướng đi mới cho cây dâu tây. Thanh thuyết phục và được bố mẹ cho mượn 100 rồi 1.000 m2 đất để sản xuất. Trên diện tích này, Thanh vay mượn thêm tiền để đầu tư nhà kính, làm giàn 3 tầng, cách ly mặt đất rồi trồng dâu. Anh dùng túi ni lông (dài chừng 1 m) có khoét sẵn 7 - 8 lỗ, nhồi giá thể xơ dừa (đã được xử lý) vào túi và đặt lên giàn rồi tiến hành trồng dâu vào các lỗ này. “Giá thể xơ dừa để cố định, giúp dâu bám rễ và hút dinh dưỡng dưới dạng dung dịch thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt trong vườn. Còn làm túi ni lông từng đoạn ngắn như vậy để dễ dàng cách ly nếu cây có dịch bệnh”, Thanh giải thích. Trong vườn dâu, Thanh đặt đầy đủ các thiết bị đo nhiệt độ, bẫy bắt côn trùng gây hại và sử dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp, dùng thiên địch để đối phó với sâu bệnh…

Thanh cho biết thêm: “Trồng theo phương pháp thủy canh này không tốn nhiều công như trồng ngoài đất, nhưng đòi hỏi sự chịu khó, chăm sóc tỉ mỉ. Ban đầu tôi cũng gặp nhiều gian truân, có khi cây chết cả 2/3 vườn, nhưng nhờ kiên trì, vừa làm vừa tự mày mò học hỏi nên bây giờ mới cơ bản thành công”.

Đây là phương pháp trồng dâu theo hướng sạch, có lợi cho môi trường, người tiêu dùng và cũng mang lại hiệu quả kinh tế. Hiện trung bình vườn dâu của Thanh cho thu hoạch đều đặn hơn 5 kg quả/ngày, với giá bán khoảng 150.000 đồng/kg (cung không đủ cầu) cũng giúp Thanh ổn định cuộc sống và đầu tư mở rộng vườn dâu.

Để khẳng định độ sạch của quả dâu, Thanh đã ký hợp đồng với Trung tâm phân tích, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt để định kỳ họ đến lấy mẫu (lấy ngẫu nhiên, không báo trước) phân tích về vi sinh vật gây bệnh; dư lượng kim loại nặng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… và kết quả đều đạt tiêu chuẩn cho phép. “Hướng đến, mình sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện quy trình sản xuất, đồng thời lai tạo tìm kiếm giống mới để thay thế dần nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho vườn dâu thủy canh này”, Thanh cho hay. 

Phải dám vượt qua sĩ diện

 
Mình nghĩ, bạn khởi nghiệp từ việc gì không quan trọng, cái quan trọng nhất là bạn phải có ý tưởng sáng tạo, chiến lược kinh doanh rõ ràng và phải dám vượt qua sĩ diện của bản thân, gia đình và xã hội.

Nhiều người vẫn còn ý nghĩ hễ học đại học thì phải làm một công việc gì đó tương xứng với tấm bằng của mình. Chính vì cái suy nghĩ ấy đã trở thành rào cản rất lớn khiến nhiều bạn trẻ không dám vượt qua sĩ diện để khởi nghiệp từ những việc làm đơn giản nhưng nhiều khi lại có hiệu quả kinh tế cao.

Đặng Thị Thu Thảo
Chuyên viên PR của Công viên văn hóa Đầm Sen, TP.HCM

 

Đừng ngồi yên tại chỗ

 
Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp rất cao. Có những bạn ra trường cả năm trời vẫn không tìm được việc làm phù hợp với bản thân. Nếu ai đó rơi vào trường hợp như thế thì hãy mạnh dạn chuyển hướng chứ đừng có ngồi yên tại chỗ. Nên tìm cho mình một hướng đi riêng chứ không nên cứ vác đơn đi xin việc hết chỗ này đến chỗ khác rồi đợi chờ trong vô vọng.

Có lẽ nên chấp nhận làm những công việc mà ngay chính bản thân mình và gia đình không ưa thích lắm nhưng nó có thể nuôi sống bản thân mình trước cái đã. Nói chung là “lấy ngắn nuôi dài” để từ đó tìm cơ hội khởi nghiệp, sau đó sẽ bứt phá đi lên.

Trần Thị Ngọc Thúy
Nhân viên kinh doanh của một công ty bán hàng qua mạng, TP.HCM

 

Không nên quá mạo hiểm

 
Điểm mạnh ở người trẻ là năng động, sáng tạo và tự tin nhưng lại thiếu kinh nghiệm nên khi bước ra thương trường dễ bị “sụp hầm”.

Vì vậy, trước khi quyết định đầu tư vào một lĩnh vực nào đó, bạn trẻ nên thành lập một ban cố vấn đủ mạnh hoặc tham khảo ý kiến của những chuyên gia chứ không nên quá mạo hiểm làm theo ý của riêng mình.

Dương Trọng Phúc
Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ HS - SV TP.HCM

Lê Thanh (ghi)

Gia Bình

>> Tự tạo việc làm - tại sao không ?
>> Để khỏi thất nghiệp: Tự tạo việc làm
>> Dưa gang muối trộn đậu phụng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.