|
Nghị quyết đã nêu định hướng phát triển KH-CN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, phát triển và ứng dụng KH-CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp. Sự lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước và tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đóng vai trò quyết định thành công của sự nghiệp phát triển KH-CN. Đảng và Nhà nước có chính sách phát triển, phát huy và trọng dụng đội ngũ cán bộ KH-CN. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để cập nhật tri thức khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới, thu hút nguồn lực và chuyên gia, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia các dự án KH-CN của Việt Nam.
Mục tiêu là đến năm 2020, KH-CN Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới; tiềm lực KH-CN đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đến năm 2020, thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) hoạt động KH-CN đóng góp khoảng 35% tăng trưởng kinh tế. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt khoảng 20%/năm; giá trị giao dịch của thị trường KH-CN tăng trung bình khoảng 15%/năm.
Để thực hiện mục tiêu này, cần đổi mới tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển KH-CN. Xác định việc phát huy và phát triển KH-CN là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền; là một trong những nội dung lãnh đạo quan trọng của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền từ T.Ư đến địa phương. Xây dựng cơ chế đặc thù trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ KH-CN theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH-CN. Nhà nước chủ động mua kết quả KH-CN trong trường hợp có nhu cầu.
Chấm dứt và ngăn chặn có hiệu quả việc nhập công nghệ lạc hậu, công nghệ gây nguy hại đến sức khỏe con người, tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Thực hiện cơ chế đầu tư đặc biệt để triển khai một số dự án KH-CN quy mô lớn phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc có tác động mạnh mẽ đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm quốc gia. Nâng tổng đầu tư xã hội cho KH-CN đạt 1,5% GDP vào năm 2015, trên 2% GDP vào năm 2020 và khoảng 3% GDP vào năm 2030. Tăng đầu tư của Nhà nước cho KH-CN bảo đảm tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm. Có chính sách tiếp tục sử dụng cán bộ KH-CN trình độ cao đã hết tuổi lao động có tâm huyết và còn sức khỏe làm việc vào công tác nghiên cứu khoa học. Hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ; có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong giao dịch, mua bán các sản phẩm và dịch vụ KH-CN.
Xây dựng quy định và tiêu chí đánh giá, định giá tài sản trí tuệ, chuyển nhượng, góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ...
Theo TTXVN
>> Doanh nghiệp được tài trợ, vay vốn phát triển khoa học công nghệ
>> Khuyến khích, trọng dụng người tài phát triển khoa học công nghệ
Bình luận (0)