(TNO) Những buổi thực hành mới mẻ và cuốn hút được lồng ghép trong chương trình học đã giúp nhiều sinh viên (SV) ngay từ năm nhất, năm hai "va chạm" với nghiệp vụ, yêu cầu của công việc trong tương lai.
Làm tổng biên tập, thư ký tòa soạn...
Nếu ai có dịp vào website của SV ngành Báo chí Trường đại học KHXH-NV TP.HCM, sẽ cảm nhận được một không khí rất “báo chí”. Nhiều chuyên mục thú vị, hấp dẫn được minh họa bằng những video clip sinh động như: Cuộc sống muôn màu, Thời sự, Nghề báo, Giải trí, Thế giới trẻ, Chia sẻ… Và ít ai nghĩ những sản phẩm báo chí rất chuyên nghiệp này đều được thực hiện bởi các bạn SV từ năm nhất, năm hai... chuyên ngành báo chí của trường.
|
Quách Cảnh Toàn, người từng tham gia phụ trách nội dung của website này, cho biết: “Không đơn giản như việc viết một bài báo nữa, tụi mình phải có khả năng bao quát để làm sao duy trì “đời sống” của tờ báo mạng này với rất nhiều chuyên mục trong nhiều ngày liên tiếp. Phải định hướng ngày mai sẽ có những bài viết về vấn đề gì sao cho thời sự, hấp dẫn, thu hút bạn đọc... Nhờ những buổi thực hành ngay từ năm nhất trong quá trình học, tụi mình đã biết làm thế nào để xuất bản một tờ tạp chí, một chương trình truyền hình, một website…”.
Được biết, bắt đầu từ năm học này, SV ngành Báo chí của Trường đại học KHXH-NV TP.HCM được tiếp cận một chương trình đào tạo mới với thời lượng thực hành chiếm tới 50% toàn bộ chương trình.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông, Trường đại học KHXH-NV TP.HCM, cho biết: “Khoa thiết kế chương trình mới nhằm giúp SV ngay từ năm nhất được trải nghiệm làm một phóng viên viết tin giỏi, các năm sau sẽ được tham gia vào một tòa soạn mô phỏng, được đóng vai tổng biên tập, thư ký tòa soạn, biên tập viên… Với đặc điểm báo chí ngày nay, SV ngành báo chí sẽ được đào tạo thành phóng viên Multi Media (truyền thông đa phương tiện) biết làm nhiều việc ở nhiều vị trí khác nhau như biên tập, dàn trang, xuất bản, quản lý… và nhiều thể loại báo chí khác nhau như: báo in, radio, báo điện tử, truyền hình...”.
Làm đạo diễn, luật sư và… nông dân
Không chỉ sinh viên ngành báo chí vừa nêu, những SV đang theo học ngành đạo diễn điện ảnh của Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM cũng rất thích thú vì ngay từ năm nhất đã được xâm nhập thực tế để thực hiện nhiều bộ phim.
Trương Thị Tuyết Mai, SV K10 ngành đạo diễn điện ảnh của Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, hào hứng: “Sau khi được học công tác đạo diễn, dựng phim, biên kịch, thầy chia nhóm cho SV làm phim tài liệu (3-5 phút). Nhóm của em 6 người đã sản xuất bộ phim tài liệu về cây me ở Sài Gòn. Tụi em phân công người viết kịch bản, người làm đạo diễn, một bạn làm giám đốc sản xuất, bạn thì quay phim, bạn thì có nhiệm vụ dựng phim…”.
"Việc thực hành nhiều và liên tục theo một phương pháp hiện đại của trường đã giúp các bạn không chỉ rèn luyện chuyên môn mà còn được trau dồi những kỹ năng mềm như làm việc nhóm, quản lý thời gian, thực hiện ý tưởng…", SV Lê Trương Mỹ Vy, chung nhóm thực hành với Tuyết Mai, chia sẻ.
Tương tự, những tòa án mô phỏng, phiên tòa giả định thường xuyên được Trường đại học Luật TP.HCM tổ chức, tạo điều kiện cho SV được “diễn” đủ các vai thẩm phán, luật sư... vô cùng bổ ích. Hay SV ngành nuôi trồng thủy sản của Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân được trực tiếp tham gia sản xuất nghêu, tôm... tại Trung tâm nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản đặt tại huyện Cần Giờ (TP.HCM).
Hiện nay, SV ngành kế toán tại hầu hết các trường đại học đều được đóng vai kế toán trưởng, kế toán công nợ, kế toán kho… tại văn phòng kế toán mô phỏng; sinh viên tài chính ngân hàng thì có ngân hàng mô phỏng ngay tại trường để thực hành với các số liệu thực...
Việc thay đổi chương trình đào tạo theo hướng gắn kiến thức với thực tiễn của nhiều trường đại học, cao đẳng hiện nay đã giúp cho SV nhanh chóng hiểu nghề và hành nghề ngay từ những năm đầu theo học.
Mỹ Quyên
>> Doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo về phương pháp giảng dạy
>> Mở rộng quy mô đào tạo nghề đến năm 2020
>> Bộ GD-ĐT chấn chỉnh đào tạo liên thông, liên kết
>> Nhiều mô hình tình nguyện sáng tạo vì cộng đồng
Bình luận (0)