Vị trí ở rìa khu Cát Lộc cách xa Bàu Sấu và Nam Cát Tiên
Dự án thủy điện Đồng Nai 6 (ĐN6) và Đồng Nai 6A (ĐN6A) nằm ở vị trí trung lưu dòng chính sông Đồng Nai và là rìa phía bắc của khu Cát Lộc - Vườn quốc gia Cát Tiên. Hai dự án này nằm kẹp giữ các bậc thang thủy điện của dòng chính sông Đồng Nai.
Theo đường sông, khoảng cách từ hai thủy điện này đến Bàu Sấu lần lượt là 60 km và 50 km và cách khu Nam Cát Tiên 30 km qua trung tâm huyện Cát Tiên. Các dự án này đều có nhà máy, đường giao thông, các công trình phụ trợ nằm ngoài Vườn quốc gia Cát Tiên.
Dung tích và diện tích mặt hồ nhỏ nhất
Do địa hình hai bờ sông dốc và cột nước thấp, các hồ chứa của ĐN6 và ĐN6A có dung tích và diện tích mặt hồ nhỏ nhất trong các thủy điện bậc thang hệ thống sông Đồng Nai (trong khi ĐN2, CS 78 MW, dung tích 543 triệu m3, diện tích hồ 1.230 ha, bình quân 15,79 ha/MW; ĐN3, CS 180 MW, dung tích 1,42 tỉ m3, diện tích hồ 5.600 ha, bình quân 31,11 ha/MW; Trị An, CS 400 MW, dung tích 2,76 tỉ m3, diện tích hồ 32.340 ha, bình quân 80,85 ha/MW… thì ĐN6, có CS 135 MW, nhưng dung tích chỉ có 64 triệu m3 và diện tích hồ là 330 ha, bình quân 2,44 ha/MW; ĐN6A, CS 106 MW, nhưng dung tích chỉ có 31 triệu m3 và diện tích hồ là 231 ha, bình quân 2,18 ha/MW).
Diện tích sử dụng đất của hai dự án ĐN6 và ĐN6A gồm 60,68 ha xây dựng công trình, 48,70 ha sử dụng tạm thời trong thời gian xây dựng sẽ được hoàn trả, trồng lại rừng sau khi xây dựng xong, 262,85 ha là phần đất của hai hồ chứa.
Việc chuyển đổi một phần nhỏ diện tích đất là rừng nghèo, lồ ô và đất trống tại khu vực này và việc hình thành một hệ sinh thái mới và phong phú hơn.
Từ sự so sánh trên, cho thấy phương án thiết kế của hai dự án thủy điện này đã được chọn có quy mô hồ chứa về diện tích chiếm đất và dung tích hồ là rất nhỏ và nhỏ rất nhiều lần so với các thủy điện khác.
Không di dân tái định cư
Theo thống kê ở các dự án thủy điện khác bình quân cần thực hiện di dân, tái định cư cho 4,37 hộ/MW với 22 người/MW, diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng là 7,64 ha/MW, diện tích đất rừng bị ảnh hưởng là 13 ha/MW. Việc phải thực hiện di dân, tái định cư cũng phải mất thêm một diện tích quỹ đất đáng kể. Phạm vi chiếm đất của các dự án ĐN6 và ĐN6A không có dân cư và đất nông nghiệp nên không phải đền bù và không phải thực hiện công tác di dân, tái định cư. Ưu điểm này là hầu như không có ở các dự án thủy điện lớn khác trên lãnh thổ Việt Nam.
Cung cấp cho lưới điện quốc gia gần 1 tỉ KWh giá rẻ, tương đương gần bằng điện tiêu thụ của 3 tỉnh
Sản lượng điện hằng năm gần 1 tỉ kWh, gần bằng lượng điện tiêu thụ của 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Phước từ nguồn năng lượng sạch, giá rẻ, tương đương với 540.000 tấn than đá hoặc 270.000 tấn dầu nếu sản xuất bằng nhiệt điện, giảm được lượng phát thải khí nhà kính hằng năm là 514.000 tấn khí CO2.
Giá bán điện của các thủy điện ĐN6 và ĐN6A chỉ có 4,4 cent/KWh, chỉ bằng 70% giá bán điện của các dự án thủy điện và nhiệt điện khác.
Các ảnh hưởng tác động đến môi trường là không lớn
Dự án thủy điện ĐN6 và ĐN6A là đập dâng, hồ chứa rất nhỏ, nhà máy đặt ngay sau đập, sau khi phát điện, nước được trả lại ngay dòng sông nên không gây ra đoạn sông chết và hầu như không có ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy hạ lưu cũng như không ảnh hưởng đến Bàu Sấu nằm ở vườn Nam Cát Tiên.
Ảnh hưởng của các dự án là có tác động đến 137 ha rừng và đất dọc theo sông thuộc vùng rìa khu Cát Lộc. Theo kết quả kiểm kê tài nguyên rừng thì đây là khu vực rừng thứ sinh nghèo, đã bị tác động, khai thác trong nhiều năm trước (trên 95% diện tích là rừng nghèo, lồ ô, hỗn giao, đất trống và đất bị xâm canh). Các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường của các dự án đã được đưa ra và được chủ đầu tư cam kết thực hiện với kinh phí gần 115 tỉ đồng.
Các hiệu ích kinh tế xã hội khác của dự án
Các dự án này có hiệu quả cao về kinh tế xã hội: Đóng góp ngân sách cho nhà nước hằng năm gần 350 tỉ đồng, toàn bộ chu kỳ khai thác 40 năm là gần 15.000 tỉ đồng và còn tiếp tục trong nhiều năm sau đó.
Trong thời gian xây dựng sẽ tạo ra việc làm cho hơn 6.000 lao động. Sau khi dự án hoàn thành sẽ tạo công việc cho hàng ngàn lao động tại hai nhà máy, cùng với việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản.
Hai dự án này sẽ đóng góp phát triển cơ sở hạ tầng như hệ thống đường giao thông, cung cấp điện, trường học, trạm y tế, trạm kiểm lâm, gia tăng các hoạt động dịch vụ, tạo điều kiện nâng cao đời sống kinh tế xã hội, văn hóa, dân trí cho đồng bào thiểu số như đồng bào K’Ho, Châu Mạ, Stiêng… tại khu vực dự án và góp phần tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, cùng với các địa phương lân cận và Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế xã hội của khu vực.
Tường Vy
Bình luận (0)