Đoạn trường hộ khẩu

09/11/2012 03:10 GMT+7

Dù luật Cư trú có hiệu lực hơn 2 năm nay đã tháo gỡ nhiều vướng mắc trong việc đăng ký nơi cư trú của công dân, tuy nhiên, trong công tác quản lý hộ khẩu vẫn có nhiều bất cập khiến cuộc sống của nhiều người dân gặp khó khăn.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng bị hành

Đoạn trường hộ khẩu 
Dù đã được em gái mình bảo lãnh nhưng bà Xinh (phải) vẫn không thể nhập khẩu - Ảnh: Hải Nam

Điển hình về tình trạng “sống một nơi, hộ khẩu một nẻo” có thể kể đến trường hợp bà Lê Thị Xinh. Dù đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhưng nói tới chuyện hộ khẩu bà vẫn còn ngao ngán. Bà Xinh có hộ khẩu thường trú tại P.Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM. Do căn nhà này bị giải tỏa nên sau khi nhận đền bù, năm 2003, bà mua một căn nhà nhỏ tại xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn, TP.HCM sống với mấy người cháu. Tuy nhiên, do căn nhà vẫn chưa có giấy tờ hợp pháp nên dù đã ở khá lâu nhưng bà mới chỉ được cấp tạm trú; trong khi hộ khẩu của bà vẫn còn đăng ký bên Q.2 dù nhà bị giải tỏa. Mỗi khi muốn làm giấy tờ gì cũng phải chạy từ Hóc Môn về Q.2 rất vất vả. Thấy vậy, em ruột của bà là bà Lê Thị Kim Liên (đã có hộ khẩu tại Hóc Môn) mới xin bảo lãnh bà nhập khẩu tại Hóc Môn luôn cho tiện. Sau một số thủ tục chứng nhận ở xã Thới Tam Thôn, bà đem hồ sơ lên huyện để xin nhập khẩu vào nhà em mình thì công an huyện yêu cầu phải có giấy tờ chứng minh hai bà là hai chị em ruột. Tuy nhiên, bà Xinh cho biết cha mẹ mất từ hồi chị em bà còn nhỏ, chẳng để lại giấy tờ gì, thậm chí giấy khai sinh của hai chị em cũng đã bị thất lạc từ lâu. Để chứng minh được là hai chị em ruột, UBND xã Thới Tam Thôn yêu cầu hai bà phải cung cấp một số giấy tờ  như khai tử cha mẹ, giấy khai sinh... và hướng dẫn hộ khẩu  ở đâu thì về đó xác nhận. Bà quay về P.Thủ Thiêm thì nơi đây cũng không thể xác nhận được vì bà đã đi từ lâu, còn cha mẹ bà đã chết từ hồi nào làm sao làm chứng tử. Sau cả chục lần lên xuống mà không thể làm xong hộ khẩu, bà đành chấp nhận sống cảnh tạm trú. Gặp chúng tôi, bà Xinh nghẹn ngào: “Tôi già rồi, nhập hộ khẩu cũng chẳng làm gì khác ngoài việc chuyển chế độ chính sách lên đây cho tiện, chứ mỗi tháng phải chạy đi nơi khác lãnh tiền chế độ thật vất vả”.

Không miếng giấy lận lưng

Một trường hợp khác còn bế tắc hơn đó là trường hợp anh Ngô Tuấn P. Trước đây anh P. có hộ khẩu tại P.An Khánh, Q.2. Vào năm 1999, anh bị kết án tù. Ngay khi thụ án, anh đã bị xóa khẩu. Cũng trong thời gian thụ án, căn nhà của gia đình anh bị giải tỏa và dời sang Q.9 sinh sống. Tuy nhiên, do còn vướng mắc một số thủ tục về giấy tờ nhà nên gia đình anh vẫn chưa nhập khẩu vào Q.9 được. Năm 2011, sau khi thi hành án xong, anh trở về thì không được nhập khẩu trở lại do nhà đã bị giải tỏa. Cũng vì không có hộ khẩu nên giấy CMND đã hết hạn cũng không thể làm lại. Vì vậy, anh gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống, không hộ khẩu, không CMND, không bằng lái xe, không việc làm. Tưởng rằng chấp hành án tù xong thì được hòa nhập với xã hội, thế nhưng anh lại tiếp tục phải sống mà không có miếng giấy lận lưng.

Hải Nam

>> Nhập hộ khẩu khống cho Việt kiều để trục lợi
>> Bắt 2 công an xã nhập hộ khẩu khống ăn tiền
>> “Một cửa” liên thông hộ khẩu, hộ tịch, bảo hiểm y tế
>> Thay đổi phân tuyến để tránh “chạy” hộ khẩu

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.