Giải thưởng Quả cầu vàng: “Đâm đầu” vào chỗ khó

10/11/2012 03:15 GMT+7

Làm khoa học ở hai lĩnh vực khác nhau nhưng hai chàng trai lại có điểm chung là cùng “đâm đầu” vào chỗ khó, đi ngược dòng…

Hai trí thức trẻ trên cùng nhiều gương mặt xuất sắc khác được đề cử giải thưởng Quả cầu vàng năm 2012 do T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức trao giải sáng nay 10.11.

Kỹ sư làm ở bệnh viện

Gần 10 năm giảng dạy và làm khoa học, Vũ Duy Hải, Phó trưởng bộ môn điện tử y sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã cho ra đời nhiều thiết bị ứng dụng rộng rãi trong ngành y. Công trình nghiên cứu máy rửa quả lọc và dây dẫn máu để tái sử dụng trong điều trị thận nhân tạo đang trong quá trình xin giấy phép sản xuất, nhưng đã được các bác sĩ chuyên khoa đánh giá sẽ tạo bước tiến lớn trong điều trị bệnh thận ở Việt Nam.

TS Vũ Duy Hải (bìa phải) thuyết trình về thiết bị lọc rửa quả lọc và dây dẫn máu trước hội đồng đánh giá của Bệnh viện Bạch Mai
TS Vũ Duy Hải (bìa phải) thuyết trình về thiết bị lọc rửa quả lọc và dây dẫn máu trước hội đồng
đánh giá của Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: P.Hậu
 

Ý tưởng chế tạo thiết bị ra đời sau nhiều năm Hải lăn lộn cùng sinh viên thực tập ở các bệnh viện. Người bị bệnh thận, nếu có tiền chạy thận lọc máu đều đặn sẽ kéo dài được tuổi thọ. Nhưng đa phần người bệnh ở nông thôn chỉ chạy thận thời gian ngắn, khi túi cạn tiền, họ đành trở về nhà trong sự cùng quẫn bất lực, chờ số phận an bài. Khảo sát quá trình điều trị, Hải phát hiện chi phí mua quả lọc và dây dẫn máu là một gánh nặng kinh tế có thể can thiệp tháo gỡ. Hiện tại, bộ lọc và dây dẫn máu là sản phẩm nhập ngoại, mỗi bộ giá khoảng 200.000 đồng. Trung bình mỗi tuần, người chạy thận phải dùng 3 bộ, riêng tiền mua dụng cụ lọc máu tốn vài triệu đồng/tháng.

Gần 1 năm khảo sát đến khi công bố, công trình này vấp phải sự hoài nghi từ chính người trong ngành y. Mỗi bộ lọc và dây dẫn máu chỉ sử dụng một lần để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, hơn nữa kỹ thuật làm sạch quả lọc và dây dẫn máu là vấn đề mới, chưa từng có ở Việt Nam. Để thuyết phục các bác sĩ, Hải và nhóm nghiên cứu thực hiện hàng trăm thí nghiệm với mẫu máu động vật, mời cả bác sĩ, chuyên ngành kiểm chứng, đối chiếu. Các thí nghiệm cho kết quả khả quan cộng với tấm lòng nhiệt huyết của Hải khiến đội ngũ giáo sư, bác sĩ tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai đặc biệt quan tâm và cố vấn cho công trình này.

Thạc sĩ Tống Văn Hải theo dõi đánh giá sự phát triển giống cà chua lai tạo bằng phương pháp chỉ thị phân tử
Thạc sĩ Tống Văn Hải theo dõi đánh giá sự phát triển giống cà chua lai tạo bằng
phương pháp chỉ thị phân tử

Từ phòng thí nghiệm đến bệnh viện là một chặng đường dài khi phải vượt qua hàng rào an toàn kỹ thuật với các tiêu chuẩn khắt khe. Nhóm nghiên cứu gồm các kỹ sư công nghệ thông tin khi bước vào giai đoạn thực nghiệm ở bệnh viện, mỗi người phải tự tay cầm quả lọc còn dính máu bệnh nhân đưa vào vận hành thiết bị lọc rửa. “Ngày nào cũng phải làm việc với máu, có khi ra khỏi viện rồi đầu óc vẫn chộn rộn, ám ảnh bởi mùi tanh trộn lẫn với mùi thuốc bệnh viện. Đi ăn trưa, cơm canh gọi ra rồi đành bỏ đi vì không ăn nổi”, anh Hải kể lại.

Gần 2 năm nghiên cứu, Hải và cộng sự hoàn thiện quy trình chế tạo máy rửa quả lọc và dây dẫn máu với công suất làm sạch đồng thời 4 bộ khác nhau. Kết quả thực nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, hiệu suất tái sử dụng tăng lên từ 6 - 8 lần và thỏa mãn các tiêu chí an toàn, vệ sinh của ngành y tế. Hiện giờ, Hải đang hoàn thiện hồ sơ về công trình để trình Bộ Y tế thẩm định trước khi cấp phép sản xuất sản phẩm. “Bộ thiết bị đã được cấp bản quyền sở hữu trí tuệ và quá trình xin cấp phép sản xuất diễn ra tích cực. Cá nhân tôi hồi hộp không kém bởi ý nguyện giúp đỡ và kéo dài cuộc sống cho người bị bệnh thận đang dần trở thành hiện thực”, anh Hải chia sẻ.

Ngoài sản phẩm mới chuẩn bị chào đời, TS Vũ Duy Hải còn là tác giả của các thiết bị vật lý trị liệu BK - Gal tạo ra dòng điện với tần số khác nhau, điều trị phục hồi chấn thương hay BK - Monitor dùng đo lường, theo dõi chỉ số sinh học của bệnh nhân cấp cứu, theo dõi quá trình điều trị sử dụng phổ biến ở các cơ sở y tế.

Người tạo giống trái vụ

Sinh ra và lớn lên trên quê lúa Thái Bình, thạc sĩ Tống Văn Hải, giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, ĐH Nông nghiệp Việt Nam chọn thi vào trường nông nghiệp ngoài sự đam mê còn có cả sự buồn tủi của năm tháng ở nhà giúp cha mẹ làm ruộng. Nông sản làm ra phụ thuộc vào thời tiết mưa thuận gió hòa nhưng nông dân khổ nhất là khi trúng mùa. Giá nông sản vừa rẻ vừa chẳng có người mua. “Nhớ có lần anh em tôi đi bán cà chua, giá chỉ có 200 đồng/kg, đổ đi thì tiếc mà ngồi bán chẳng bõ công, xót của đến ứa nước mắt”, anh Hải kể.

Trong nhiều nghiên cứu phát triển giống mới, Tống Văn Hải luôn chú ý phát triển các giống ngắn ngày, trái thời vụ, điển hình là đề tài nghiên cứu lai tạo giống cà chua chín chậm, kháng vi rút xoăn vàng lá bằng chỉ thị phân tử. Với loại giống này, người dân có thể thu hoạch quả xanh bảo quản tại nhà và cho chín bằng chế phẩm sinh học không gây hại cho con người mà vẫn giữ được hương vị cao. Thế nên, nông dân hoàn toàn chủ động cung cấp sản phẩm ra thị trường không còn phải bán tống bán tháo vì lo hỏng nông sản.

Nghiên cứu phát triển các loại giống lúa ngắn ngày, năng suất cao thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt là mục tiêu nghiên cứu mà Tống Văn Hải kiên trì thực hiện trong nhiều năm nay. Ngoài giống lúa NV1 cùng đồng nghiệp phát triển mới được Công ty cổ phần giống nông nghiệp Việt Nam mua bản quyền, sản xuất cung cấp cho vùng trung du Bắc bộ, thì loại lúa nếp N91 do Hải độc lập nghiên cứu là thành tựu đáng kể. Qua theo dõi đánh giá, lúa nếp N91 không chỉ cho năng suất ổn định từ 6 - 6,5 tấn/ha mà độ thơm ngon có thể sánh ngang với giống nếp cái hoa vàng đặc sản gieo trồng ở Bắc Ninh. Ngoài ra, Tống Văn Hải đang nghiên cứu và chuẩn bị cho ra đời lúa T65 được coi là giống lúa đánh bại quy luật tự nhiên. Loại lúa này có khả năng sinh trưởng trong điều kiện thời tiết giá rét mùa đông, giúp người nông dân có thể mở rộng trồng lúa 3 vụ mỗi năm.

Theo anh Hải, nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức như việc lạm dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp nếu không được cải thiện sẽ đi vào ngõ cụt. Thế nên việc ứng dụng công nghệ sinh học chọn lọc, phát triển giống mới cho năng suất chất lượng cao, kháng được sâu bệnh và hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật là mục tiêu của các nhà khoa học hướng đến trong việc phát triển nền nông nghiệp sạch và bền vững trong tương lai.

Bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học thời sinh viên, anh Hải đã có 3 công trình công bố, giới thiệu trên các tạp chí nông học nước ngoài và 9 công trình trong nước với nhiều loại giống mới được bà con nông dân đưa vào gieo trồng, sản xuất rộng rãi.

Phan Hậu

>> 10 gương mặt xuất sắc nhận giải thưởng “Quả cầu vàng”
>> Giải thưởng "Quả cầu vàng
>> Trao giải thưởng Quả cầu vàng 2010

Tuổi trẻ VN xây hoài bão lớn, rèn đức, luyện tài, đoàn kết, sáng tạo, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.