Nhìn nhận lại môn lịch sử: Một nửa sự thật về nhà Hồ

09/11/2012 03:30 GMT+7

Từ mong muốn của bạn đọc, Báo Thanh Niên cùng các nhà sử học và sư phạm đã rà soát lại các bộ sách giáo khoa (SGK) môn lịch sử bậc phổ thông và phát hiện một số thiếu sót đáng tiếc về kiến thức, hoặc những nhận định chưa thật thỏa đáng, mang dấu ấn của tư duy cũ.

Điểm lại những bất cập này, chúng tôi mong muốn trong công cuộc đổi mới toàn diện nền giáo dục sắp tới, việc thay đổi cách dạy và học, biên soạn SGK - trước hết ở môn lịch sử - sẽ được đặt ra nghiêm túc, có vị trí xứng đáng nhằm góp phần khắc phục tình trạng thế hệ trẻ lờ mờ với lịch sử dân tộc như hiện nay.

Loạt bài này bắt đầu bằng những nhận định khách quan về các vương triều gây nhiều tranh cãi trong lịch sử.   

Nhìn nhận lại môn lịch sử: Một nửa sự thật về nhà Hồ
Năm 2011, UNESCO công nhận Thành nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới - Ảnh: Ngọc Thắng

Dù có những đóng góp quan trọng trong tiến trình của lịch sử Việt Nam nhưng nhà Hồ chỉ hiện diện hết sức sơ sài và nhiều thiếu sót trong SGK.

Phải là một vương triều chính thống

SGK lịch sử lớp 7 có nhắc đến nhà Hồ nhưng không thành một chương riêng. Mở sách Lịch sử 7, muốn biết về nhà Hồ thì tìm đọc tiểu mục Nhà Hồ và cải cách Hồ Quý Ly trong bài Sự suy sụp của nhà Trần cuối thế kỷ XIV. Sắp xếp như vậy có nghĩa là nhà Hồ chỉ được chép phụ vào nhà Trần, không được xem là vương triều chính thống.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên (thế kỷ 15), sau kỷ nhà Trần, có phần phụ: Hồ Quý Ly và Hán Thương, viết về lịch sử Nhà Hồ (1400-1407). Ngô Sĩ Liên và các sử gia thời phong kiến đều đứng trên quan điểm Nho gia tôn sùng dòng chính thống của họ vua, không chấp nhận triều đại “thoán vị” (đoạt ngôi) nên trong sử chỉ được “phụ chép”.

 

Viết SGK lịch sử, ngoài việc phải trình bày một cách chân thật, sinh động các sự kiện, các hành vi lịch sử, đòi hỏi “sử bút” vừa nghiêm vừa cần đạt tới độ cao của tình cảm

PGS-TS TẠ NGỌC LIỄN

Có lẽ Trần Trọng Kim là nhà sử học đầu tiên ở nước ta coi nhà Hồ ngang hàng như các triều đại khác. Trong Việt Nam sử lược xuất bản vào đầu thế kỷ 20, Trần Trọng Kim chia lịch sử Việt Nam (VN) theo thời đại với các chương. Thí dụ: Chương 4 - 5: Nhà Lý; Chương 6 - 10: Nhà Trần; Chương 11: Nhà Hồ…

Từ năm 1960-1961, trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử đã có cuộc tranh luận về Hồ Quý Ly. Những năm tiếp theo có nhiều cuộc hội thảo khoa học cũng như một số công trình nghiên cứu về Hồ Quý Ly, những cải cách và triều đại của ông.

Cho đến nay, giới nghiên cứu lịch sử nước ta đều thống nhất, nhà Hồ là một vương triều chính thức, như các vương triều khác: có vua, có quốc hiệu, kinh đô, có bộ máy chính quyền từ triều đình xuống địa phương, có tiền tệ, quân đội, có tổ chức khoa cử… Những nghiên cứu về Hồ Quý Ly và vương triều Hồ của giới sử học trong nửa thế kỷ qua đã đi tới thống nhất quan điểm khẳng định vương triều Hồ bên cạnh các vương triều Lý, Trần, Lê… Vì vậy, khi viết SGK lịch sử giảng dạy trong nhà trường, không thể không thể hiện rõ quan điểm đó.

Nhìn vào 6 chương lớn trong SGK lịch sử lớp 7 về các triều đại, thấy rằng cần phải bàn lại là việc phân kỳ lịch sử. Từ chương 1 đến chương 4, lịch sử được phân kỳ theo triều đại Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần - Lê  Sơ. Còn chương 5 và chương 6  lại phân kỳ theo thế kỷ. Tại sao thiếu sự thống nhất như vậy? Điều này dễ khiến nảy sinh câu hỏi rằng trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, chỉ có nhà Lý, Trần, Lê Sơ là vương triều, còn nhà Hồ, nhà Mạc, Tây Sơn và nhà Nguyễn không phải là các vương triều sao?

Cần nhìn nhận khách quan 

Nội dung viết về nhà Hồ trong Lịch sử 7, theo tôi khá sơ sài, chưa khúc chiết và thiếu những chi tiết cụ thể cần thiết. Thí dụ, cần phân biệt rõ 2 giai đoạn: Cải cách mà Hồ Quý Ly thi hành trong thời gian ông là đại thần ở triều Trần và triều Hồ sau khi thành lập năm 1400. Triều nhà Hồ trong khoảng 5 - 6 năm đã làm được nhiều việc, như sửa chữa đường sá, định lệ thi cử, đặt nhã nhạc, đặt phép hạn chế gia nô, tiêu chuẩn hóa đơn vị cân, đong, định tô thuế ruộng đất… Đặc biệt, nhà Hồ đẩy mạnh lực lượng quân sự, quốc phòng, chuẩn bị đối phó trước âm mưu xâm lược của quân Minh cũng như tăng cường sức mạnh để ổn định biên giới phương Nam. Thực tế ấy chưa được phản ánh đầy đủ trong sách Lịch sử 7.

Về văn hóa, giáo dục, SGK viết: “Hồ Quý Ly bắt các nhà sư chưa đến 50 tuổi phải hoàn tục, cho dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm để dạy cho vua Trần và phi tần, cung nữ. Ông cũng sửa đổi cả chế độ thi cử, học tập” (trang 79). Các việc làm này không phải là thành tích về văn hóa, giáo dục của vương triều Hồ mà là một số sự việc Hồ Quý Ly thực thi dưới triều nhà Trần.

Về cuộc kháng chiến chống xâm lược Minh của nhà Hồ, sách Lịch sử 7, viết: “Tháng 11.1406… nhà Minh đã huy động một lực lượng lớn gồm 20 vạn quân cùng với hàng chục vạn dân phu, do tướng Trương Phụ cầm đầu, chia làm hai cánh tràn vào biên giới nước ta… Quân Minh lần lượt đánh bại quân nhà Hồ ở một số điểm thuộc Lạng Sơn. Hồ Quý Ly phải lui về đóng ở bờ nam sông Nhị (sông Hồng), lấy thành Đa Bang làm trung tâm phòng ngự. Ngày 22.1.1407, sau khi đánh bại quân nhà Hồ ở Đa Bang, quân Minh đánh chiếm Đông Đô (Thăng Long). Quân nhà Hồ phải lui về cố thủ ở thành Tây Đô. Tháng 4.1407, quân Minh tấn công vào Tây Đô, Hồ Quý Ly chạy vào Hà Tĩnh và bị bắt vào cuối tháng 6.1407” (trang 82). Trình bày về cuộc kháng chiến chống Minh của nhà Hồ như vậy chỉ mới đúng “một nửa sự thật” vì ở đây, SGK chỉ nói sự thất bại liên tiếp của nhà Hồ, mà không đề cập quá trình nhà Hồ chủ động chuẩn bị chống Minh, cũng như những trận chiến đấu hy sinh dũng cảm của quân, tướng nhà Hồ.

Khi biết nhà Minh đang âm mưu xâm lược nước ta, Hồ Quý Ly cho chuẩn bị lực lượng quân đội, phòng vệ đất nước, và ông thường hỏi các quan rằng: “Ta làm sao có được 100 vạn quân để đánh giặc Bắc?”. Quyết tâm chống quân Minh xâm lược cũng được thể hiện ở câu nói nổi tiếng của Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng (con cả Hồ Quý Ly): “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không thôi”.

Công việc chuẩn bị kháng chiến chống Minh của nhà Hồ rất tích cực ở phía bắc cũng như phía nam. Trên các con sông phía bắc, nhà Hồ cho đóng cọc gỗ, xây doanh lũy bên bờ phía bắc sông Hồng, bố trí các đội voi chiến… Những trận đánh nhau dữ dội giữa quân nhà Hồ và quân Minh diễn ra tại trận Mộc Hoàn (trên sông huyện Ba Vì), trận Đa Bang, trận Hàm Tử. Riêng trận Đa Bang diễn ra vô cùng ác liệt, quân nhà Hồ thất thủ nhưng để chiếm được thành Đa Bang quân Minh cũng thiệt hại nặng nề, xác chết chất cao ngang thành. Tướng Minh Trương Phụ chỉ huy tấn công phía tây-nam thành Đa Bang đã thuật lại: “Thần là bọn Trương Phụ cầm dùi, thúc trống ra lệnh, thân hành đốc chiến… Đạn bay như mưa, súng vang như sấm, giặc (quân nhà Hồ) lùa voi xông ra lao thẳng trận chiến, ta dùng hỏa hổ phá vỡ voi trận của địch…”.

Cuộc kháng chiến chống Minh của nhà Hồ thất bại, nhưng là một thất bại bi tráng của những người anh hùng.

Viết SGK lịch sử, ngoài việc phải trình bày một cách chân thật, sinh động các sự kiện, các hành vi lịch sử, đòi hỏi “sử bút” vừa nghiêm vừa cần đạt tới độ cao của tình cảm, như vậy mới có sức hấp dẫn đối với học sinh.

Đã đến lúc SGK cần bổ sung, viết đầy đủ hơn về những đóng góp tích cực của nhà Hồ đối với đất nước hồi đầu thế kỷ 15.

Vừa thừa vừa thiếu

Có mấy nhận xét sơ bộ về SGK lịch sử VN từ lớp 6 đến lớp 12:

Phần lịch sử VN từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 19: Ngoài các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, mục tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa cứ lặp lại hết thời kỳ này đến thời kỳ khác theo lối dàn trải mà không nêu bật lên những thành tựu, tiến bộ tiêu biểu của mỗi thời kỳ.

Phần lịch sử VN từ giữa thế kỷ 19 đến năm 1975: Nặng về lịch sử kháng chiến chống Pháp, phong trào yêu nước, phong trào cách mạng, 2 cuộc kháng chiến (1945-1975) cùng một số chuyển biến kinh tế - xã hội nhất định còn phần phát triển văn hóa rất mờ nhạt. Từ năm 1975 đến năm 2000 thì trình bày theo các kế hoạch 5 năm, không nêu bật lên những điểm tiêu biểu.

Chưa cập nhật nhiều thành tựu nghiên cứu mới về lịch sử. SGK lớp 6 có một tiết cho nước Chămpa từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 5. SGK lớp 10 có một bài cho các quốc gia cổ đại trên đất nước VN. Sự bổ sung này cần ghi nhận nhưng vẫn chưa rõ quan niệm. Nhà Mạc là một vương triều tồn tại trong thế kỷ 16 cũng không có chỗ trong SGK. Một nội dung quan trọng mang tính thời sự hiện nay là lãnh thổ thống nhất và toàn vẹn của Tổ quốc cùng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên biển Đông cũng không được đề cập.

GS Phan Huy Lê

PGS-TS Tạ Ngọc Liễn

>> Thành nhà Hồ niềm tự hào đất Việt
>> Phát lộ đường Hoàng gia thành nhà Hồ
>> Phát hiện công trường khai thác đá xây thành nhà Hồ
>> Thành nhà Hồ trở thành di sản văn hóa thế giới
>> Thành nhà Hồ có hy vọng ghi danh Di sản văn hóa thế giới
>> Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc tại Thành nhà Hồ

 

 

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.