“Để làm hồ sơ công nhận di sản văn hóa thế giới cho khu di tích Tràng An, Ninh Bình, công việc khảo cổ học đã được tiến hành đồng loạt ở hàng chục hang động trong năm vừa qua”, PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học nói. Tại Hội nghị thông báo khảo cổ học thường niên năm qua, trong tiểu ban Thời đại đồ đá, nhóm các báo cáo tập trung về đề tài khu Tràng An đã chiếm thời lượng lớn trong công bố và trao đổi.
Tại các điểm hang do TS Nguyễn Gia Đối phụ trách, các nhà khảo cổ tìm thấy rất nhiều ốc núi trên bề mặt. Địa tầng của hang ken dày vỏ ốc. Tuy nhiên số lượng vỏ nhuyễn thể biển lại ít. Ngay cả tại điểm hang có bề mặt bị xáo trộn như hang Ốc, lượng vỏ ốc tìm thấy cũng nhiều, đa số đều là ốc núi.
Cũng tại các điểm hang của nhóm ông Đối, công cụ lao động như rìu phần lớn làm bằng đá vôi, chỉ một số ít làm từ đá khác. Bộ công cụ đá vôi này chủ yếu dùng để ghè đẽo. Một số dụng cụ đánh bắt cá cũng được tìm thấy. Nó cho thấy đây là nhóm cư dân cư trú ở lục địa, hoàn toàn không biết đến biển vì biển lúc đó còn ở rất xa (khoảng 5.000 năm trước Công nguyên.).
Một nhóm hang khác thuộc quần thể Tràng An do PGS-TS Nguyễn Khắc Sử phụ trách. Tại các di chỉ này, ông Sử cũng tìm thấy nhiều ốc núi và không đáng kể ốc suối. Vỏ nhuyễn thể biển cũng không có nhiều. Tuy nhiên, khác với điểm hang của nhóm ông Đối, tại đây, ông Sử tìm thấy một số vỏ trai được sử dụng làm công cụ lao động. Ông Sử cũng tìm thấy các loại ốc tiền làm đồ trang sức. Những ốc tiền này có mặt trong mài nhẵn, đục lỗ xâu lại.
“Những con ốc như thế này cũng tìm thấy khi khai quật di tích ở sâu nội địa như Lai Châu, Sơn La, tây Thanh Hóa”, PGS-TS Nguyễn Khắc Sử nói. “Các di tích tìm thấy ốc tiền như vậy thường có niên đại 7.000-8.000 năm. Tiền ốc vừa có thể là đồ trang sức vừa có thể là tiền trao đổi thật”.
Về công cụ, địa điểm nhóm ông Sử đào cũng có công cụ đá vôi, cuội đá vôi. Chúng có độ cứng khác nhau. Ngoài đá vôi có độ cứng không cao, họ cũng dùng thêm một loại đá khác cứng hơn kính với độ cứng là 7 so với độ cứng của kim cương là 10. Gốm của thời đá mới cũng được tìm thấy, trong đó có gốm văn thừng. Một số mảnh gốm tìm thấy rất dày, rất thô với những hạt sạt lớn.
|
Các nhà khảo cổ cùng nhóm ông Sử cũng tìm thấy nhiều xương trâu, bò, hươu, nai. Đặc biệt, họ còn thấy hơn chục cốt xương của tê giác. Lạ là sao tê giác lại thấy ở đây bởi đây là môi trường lầy trũng, không thích hợp. Ngoài động vật ra trên cùng có ốc suối (bị chặt đít), còn lại là vỏ nhuyễn thể biển như hàu. Trên những vách đá hàu bám cũng thấy dấu lõm mặt đá vôi. Điều này cho thấy ảnh hưởng của nước biển dâng, phản ánh giai đoạn con người tiếp xúc với biển. “Qua đó, ta thấy cư dân Tràng An có sự tương thích tốt với môi trường”, ông Sử nói.
Tham gia khai quật khu Tràng An còn có một nhà khảo cổ học người Nhật - TS Nishimura. Cũng như nhóm các hang trên, tại nơi ông Nishimura khai quật, vỏ ốc cũng được tìm thấy khá nhiều bên cạnh các loại công cụ đá vôi dễ xác định dấu tích sử dụng. “Ở Việt Nam cho tới giờ, ngoài khu vực Tràng An, rất ít thấy công cụ đá vôi. Nhưng ở Malaysia các công cụ tương tự lại có tuy không nhiều. Tôi phỏng đoán đó là một loại hình của văn hóa Hòa Bình. Nó cũng cho thấy, một số di chỉ hang ở Đông Nam Á có tính chất khá gần, khá giống nhau”, ông nói.
Vùng đất nghèo ?
Không dừng lại ở việc khám phá rằng ốc núi là thực phẩm của người cổ ở Tràng An, TS Nishimura còn thử nghiệm cách nấu nướng. Dấu vết của bếp lửa giúp ông và đồng nghiệp khẳng định ốc núi được ăn sau khi nấu chín. “Chúng tôi thử 2 phương án. Một là ốc cho vào gốm rồi hấp lên. Khi hấp dùng đá vôi để xung quanh lá chuối đó rồi ủ đất lên, sau đó ăn thử. Một cách khác là nung trực tiếp vỏ ốc. Khi nung trực tiếp, vỏ bị chát, vụn và nát đi. Nó thích hợp với việc tìm thấy nhiều vỏ ốc vụn và mảnh đá vôi ở đó. Sự khác biệt của nấu nướng cho những kết quả vỏ ốc khác nhau”, ông Nishi nói. Giờ đây, tại Tràng An người ta vẫn thu được ốc núi.
TS Nguyễn Việt cho rằng Tràng An chính là nơi văn hóa Hòa Bình được mở rộng. Tuy nhiên, sự mở rộng này chỉ đến sau khi Hòa Bình đã phát triển rất mạnh ở những vùng thuận lợi khác. Sau khi khai thác hết điều kiện tốt ở những vùng thuận lợi, con người mới tới Tràng An - một nơi không thuận lợi bằng. “Chúng ta thấy sự phong phú của thiên nhiên và tưởng rằng nó giàu có. Nhưng nó phải là chỗ khó sống của con người thì mới còn tồn tại. Khi khai thác hết thung lũng với tỷ lệ núi đất - núi đá tương ứng với nguồn cung tốt, người ta mới lên núi đá. Tràng An là vậy”, ông Việt phân tích.
“Công cụ ở đây nghèo nếu so với các di tích cùng thời. Nó rất giống với tình trạng công cụ tại các hang xa vùng nguyên liệu. Một điểm nữa tôi thấy cần nói rõ. Tuy vỏ ốc phát hiện nhiều, nhưng mật độ ốc cũng không cao nếu so sánh với hang Xóm Trại có 44.000 con ốc trên một mét vuông trầm tích, hang Con Moong 9.000 con ốc. Tôi cho rằng đây chỉ là trại của con người trong quá trình di động thôi”, ông Việt phân tích.
Tất nhiên, cũng theo ông Nguyễn Việt, Tràng An vẫn đủ giá trị để thành di sản. Có điều, không nên nhìn nó hoành tráng quá so với các điểm di chỉ thời đại đá khác.
Song song với việc làm hồ sơ di sản, việc khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn cũng đã được thực hiện. Theo đó, rất nhiều chuyến khảo sát, tham gia khảo cổ cho người trẻ đã được thực hiện tại Tràng An. “Chúng tôi khuyến khích khảo cổ học cộng đồng tại địa điểm này”, TS Lê Thị Liên, Viện Khảo cổ cho biết lên lề hội nghị.
Trinh Nguyễn
>> Những phát hiện khảo cổ 2012: Tường thành Cổ Loa kể chuyện
>> Những phát hiện khảo cổ 2012 - Đài thiên văn cổ
>> Những phát hiện khảo cổ 2012: Tìm thấy tấm bia cổ nhất Việt Nam?
Bình luận (0)