Hà Nội, thành phố của tôi nằm trong dự án Blog City Tales, do Viện Goethe tổ chức nhằm trao đổi, giao lưu trong lĩnh vực sáng tác truyện tranh. Các họa sĩ tham gia dự án sẽ sáng tác theo một chủ đề xoay quanh cuộc sống thành thị hay hiện tượng xã hội... Mỗi người trong số họ tự lựa chọn câu chuyện, sáng tạo theo những góc nhìn khác nhau.
Phong được chọn là người kể về Hà Nội. “Điều đó khiến tôi thực sự hứng thú, vì Hà Nội là nơi tôi sinh ra, lớn lên. Tôi đã được thấy TP chuyển mình và thay đổi ra sao” - anh chia sẻ. Năm truyện tranh ngắn hoàn thành là Nàng, Bóng đá, Rùa, Trung thu và Phở của Phong vẫn in đậm phong cách dí dỏm, hài hước, với góc nhìn sâu sắc.
|
Nàng khiến người xem thích thú khi Phong gắn nhân vật nàng với hình ảnh TP 1.000 năm tuổi, cùng những biến cố lịch sử thăng trầm. Nàng sinh ra rồi lớn lên trở thành cô gái xinh đẹp. Bao anh chàng dòm ngó, đưa ra những lời mời gọi hấp dẫn hòng chiếm được nàng. Với Phong, Hà Nội vừa đáng yêu, hấp dẫn nhưng đỏng đảnh như một cô gái. Còn Rùa lại là cách nhìn về môi trường và xã hội thâm thúy. Trong khi rùa ở hồ Gươm luôn được chăm sóc kỹ lưỡng vì được coi là linh vật, thì đồng loại của nó ở bên ngoài bị biến thành thành món ăn đặc sản hấp dẫn. “Địa vị xã hội rõ ràng là quan trọng mà” - câu kết luận xanh rờn khiến độc giả không khỏi suy ngẫm.
Với đề tài Phở, Thành Phong chia đặc sản này ra nhiều loại: phở bình dân, phở đẳng cấp và... phở quát. Giờ, không ít người Hà Nội rất chịu chơi khi ăn phở giá rất cao có thịt bò nhập ngoại. Nhưng có người lại thích đi ăn phở dân dã, dù bị kèm theo những lời mắng chửi của chủ quán. Chắc chẳng có nơi nào người bán quát mắng người ăn, nhưng thực khách vẫn kéo đến nườm nượp như ở đây. Họa sĩ quảng cáo “quát khách cũng được biết tới như một “đặc sản” Hà Nội” - nét ứng xử lạ lùng mà Phong thích phô ra. Anh giải thích: “Tôi muốn cuộc sống Hà Nội có nhiều mặt. Có người sẽ đồng tình, hoặc không. Nhưng đó là những ấn tượng, cách nhìn của riêng tôi”.
Với Phong, câu chuyện ngắn gọn, súc tích nhưng cuộc sống của TP vẫn phải sống động, đủ đầy.
Dự án Blog City Tales bắt đầu từ tháng 5.2012 và kéo dài suốt một năm. Ngoài Nguyễn Thành Phong (Hà Nội), tham gia dự án còn có các họa sĩ Songsin (Bangkok), Mawil (Berlin), Sascha Hommer (Hamburg), Beng Rahadian (Jakarta), Sidney Tan (Kua Lumpur), Lyndon Gregorio (Manila), Mandy Ord (Melbourne) và Wee Tian Beng (Singapore). Trên trang web của dự án (blog.goethe.de/CityTales), Những câu chuyện Hà Nội được dịch sang tiếng Anh và tiếng Đức, xuất hiện cùng những câu chuyện của các họa sĩ tham gia dự án. Qua góc nhìn của các họa sĩ bản địa, người xem được bước vào cuộc du hành, tuy ngắn nhưng đủ để có những trải nghiệm thú vị về cuộc sống, văn hóa của các TP. Sau khi dự án kết thúc, các tác phẩm xuất sắc sẽ được lựa chọn trưng bày tại chính TP làm nên chất liệu, gợi cảm hứng sáng tác cho họ. |
Minh Ngọc
>> Vẽ tranh về an toàn giao thông
>> Thiếu nhi thi vẽ tranh về an toàn giao thông
>> Hội thi tuyên truyền viên giỏi về an toàn giao thông
>> Thi vẽ tranh về an toàn giao thông
Bình luận (0)